Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cùng doanh nghiệp thành viên, tính hết tháng 6, thị trường các dòng xe giá bình dân, tầm trung (xe có giá bán đại lý dưới 700 triệu đồng) đạt khoảng 57.800 chiếc, tăng hơn 3.000 chiếc so với cùng kỳ 2020.
Tuy nhiên, so với điều kiện bình thường 6 tháng năm 2019, lượng xe bình dân bán ra trong 6 tháng qua đã giảm khá mạnh, ước khoảng 11.000 chiếc.
Nghịch lý nhiều mẫu xe bình dân đang có doanh số cao, trong khi một số có doanh số tụt giảm đáng ngại.
Thị trường xe bình dân như "trăm hoa đua nở"
Hiện trên thị trường, các mẫu xe có doanh số cao nhất vẫn là những cái tên thân thuộc với đại đa số người dùng Việt như Toyota Vios, bán ra được hơn 9.600 chiếc, Honda City hơn 5.500 chiếc, Hyundai i10 hơn 6.300 chiếc, Hyundai Accent hơn 9.900 chiếc, Kia Cerato hơn 4.700 và Kia Morning hơn 2.200 chiếc.
Thị trường xe Việt 6 tháng qua có sự bổ sung đáng kể của các mẫu xe doanh số cao, hiệu quả kinh doanh lớn từ các thương hiệu mới như Kia Seltos trên 7.200 chiếc, Toyota Cross hơn 5.600 chiếc và Fadil hơn 10.100 chiếc... Chính vì sự xuất hiện của các dòng xe, mẫu xe mới này, thị trường đa dạng hơn. Doanh số các mẫu xe bình dân ngày càng nới rộng khoảng cách so với các dòng, mẫu xe đắt tiền trên thị trường.
Dù thế, theo VAMA, tăng trưởng mạnh song xe bình dân vẫn có sự trồi sụt nhất định. Các mẫu xe cạnh tranh, luôn thay thế vị trí của nhau trong "top" đầu doanh số.
Minh chứng rõ nhất là Toyota Vios. 6 tháng đầu năm, các phiên bản của mẫu xe bình dân Nhật Bản bán ra tại việt Nam chỉ đạt 9.600 chiếc, thấp hơn VinFast Fadil 500 chiếc và Hyundai Accent 300 chiếc.
Từ "ông vua" doanh số một thời, Vios hiện nay đang bị chia sẻ thị trường bởi rất nhiều đối thủ cạnh tranh trong và phân khúc của nó. Điều này khiến cho doanh số bán ra của Vios 6 tháng qua đã giảm 2 năm liên tiếp từ mức hơn 12.400 chiếc 6 tháng năm 2019 xuống còn hơn 11.100 chiếc cùng kỳ 2020 và hiện tại chỉ còn 9.600 chiếc.
Điều đáng nói, sự suy giảm của Vios không phải do đối thủ trực tiếp trong cùng phân khúc như Kia Morning và Hyundai i10, mà hiện đã trải rộng ở nhiều mẫu mã, phân khúc khác nhau.
Đơn cử như sự xuất hiện của Kia Seltos và Toyota Cross với mức giá dao động từ 600 đến 900 triệu đồng - bản CUV mới của hai mẫu xe này lập tức "chiếm sóng" doanh số của các đại lý Kia và Toyota ở Việt Nam. Mặc dù không phải tất cả những người dự định mua Vios chuyển sang các mẫu xe CUV mới. Nhưng theo một số môi giới xe hơi, sự ra mắt của các mẫu xe mới đẹp hơn, hiện đại hơn đã khiến xu hướng chạy mua các mẫu xe mới, xe "hot" tăng lên, đồng nghĩa với nhu cầu mua các loại xe khác giảm đi nhanh chóng.
Sự cạnh tranh về giá trên thị trường sẽ khiến mặt bằng giá xe xuống thấp, người tiêu dùng sẽ hưởng lợi (Ảnh minh họa).
Điều đáng nói là rất nhiều mẫu xe bình dân của Việt Nam đang bị suy giảm doanh số so với 2 năm trước. Innova suy giảm doanh số "không thể tưởng tượng" được từ mức 5.800 chiếc bán ra 6 tháng năm 2019, xuống 2.200 chiếc của 6 tháng 2020 và 1.770 chiếc trong 6 tháng qua.
Kia Morning cũng không nằm ngoại lệ khi suy giảm từ mức 5.400 chiếc 6 tháng 2019 xuống 2.300 chiếc 6 tháng 2020 và hiện nay là 2.200 chiếc. Kia Cerato hiện cũng chỉ bán ra được hơn 4.700 chiếc, giảm hơn 1.300 chiếc so với cùng kỳ 2019.
Mazda 3 của Trường Hải 6 tháng qua cũng nhận cú sốc doanh số lớn khi chỉ bán được hơn 2.600 chiếc, trong khi cùng kỳ năm 2020 có doanh số hơn 6.400 chiếc và 7.400 chiếc trong 6 tháng 2019. Hyundai i10 cũng vậy, 6 tháng qua chỉ có doanh số 6.300 chiếc, suy giảm 100 chiếc so với cùng kỳ 2020 và hơn 2.000 chiếc so với cùng kỳ 2019.
Cuộc chiến doanh số ngày càng gay gắt
Đáng nói là các mẫu xe như Mazda 3, Kia Cerato, Morning, Hyundai i10, Toyota Vios, Innova... đều là "gà đẻ" doanh số, mẫu xe bán ra chủ lực của các hãng. Do đó, sự suy giảm doanh số tác động rất lớn đến tổng doanh số của doanh nghiệp cũng như độ phủ thị trường của mẫu xe.
Tuy nhiên, sự cạnh tranh không làm triệt tiêu tất cả, vẫn có những mẫu xe đạt doanh số kỷ lục. 6 tháng qua, ngoài ba mẫu xe mới, đang có doanh số cao như Fadil, Cross hay Seltos, thị trường xe Việt còn có các mẫu xe có doanh số ấn tượng như Mitsubishi Xpander, Honda City, Hyundai Accent, Mitsubishi Attrage.
Cuộc đua về doanh số quyết định sự thành bại của mẫu xe hơi tại thị trường Việt Nam (Ảnh xe nhập khẩu về Việt Nam, Hải quan TP Hồ Chí Minh).
Cụ thể, theo VAMA, doanh số bán ra của Xpander 6 tháng là hơn 8.200 chiếc, gấp hơn 4,5 lần so với doanh số đối thủ trực tiếp là Innova, gấp 3 lần so với doanh số của Suzuki XL7 và gấp 2-3 lần so với doanh số của Mazda CX5, Honda CRV.
Mẫu Honda City cũng vậy. Lượng bán ra 6 tháng qua đạt hơn 5.500 chiếc, tăng 1.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước. Hyundai Accent cũng có mức tăng doanh số ấn tượng khi đạt ngưỡng 9.900 chiếc, khẳng định vị trí số 1 trong phân khúc xe sedan hiện nay trên thị trường.
Theo ông Vũ Hưng, chủ salon xe hơi tại Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội, thị trường xe bình dân tại Việt Nam rất biến động, có thể nói là "trăm hoa đua nở". Các hãng, đại lý đang dùng mọi cách để cạnh tranh giành giật thị trường của nhau. Ngoài cạnh tranh về giá, xoay tua vòng đời, "chế" thêm nhiều biến thể, họ còn tung hàng loạt các gói, giải pháp tín dụng để lôi kéo khách hàng.
"Trước đây bán xe, môi giới, cửa hàng có lời vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu mỗi chiếc là chuyện dễ, nhưng hiện nay hoa hồng xe vài triệu đồng cũng phải bán để được doanh số và "săn" thưởng từ tổng đại lý, hãng. Chính vì các sàn đua nhau giảm giá, chiết khấu, cuộc cạnh tranh về giá bán xe hơi trong thời gian tới có thể sẽ diễn ra gay gắt hơn, quyết liệt hơn", ông Hưng nhấn mạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!