Ngày 20/10, lần đầu tiên Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu thịt lợn đã được tổ chức. Với tổng đàn lợn lên đến 29 triệu con và sản lượng thịt vào khoảng 3,6 - 3,8 triệu tấn, tìm hướng xuất khẩu thịt lợn đang là mối quan tâm hàng đầu của ngành nông nghiệp để tránh nguy cơ thừa cung, nhất là khi lĩnh vực chăn nuôi đang có sự tham gia ngày càng nhiều của các doanh nghiệp và tập đoàn lớn.
Các đại biểu tại diễn đàn nhìn nhận, cơ hội xuất khẩu thịt lợn của Việt Nam là rất lớn khi 3 quốc gia gần với chúng ta là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc có nhu cầu nhập khẩu thịt lớn nhất thế giới, lên tới 4,5 triệu tấn mỗi năm. Trước mắt, Việt Nam sẽ thí điểm xây dựng 2 vùng an toàn dịch bệnh hướng đến xuất khẩu tại tỉnh Thái Bình và tỉnh Nam Định.
Có thể nói, việc kiểm soát dịch bệnh trên đàn lợn khó khăn hơn nhiều so với gia cầm. Các đối tượng gây bệnh cho lợn như dịch lở mồm long móng, dịch tả rất dễ lây lan nhanh và bùng phát trở lại. Vì vậy, các quốc gia nhập khẩu thịt lợn đều yêu cầu phải được Tổ chức Thú y thế giới công nhận là an toàn dịch bệnh, họ mới nhập khẩu.
Doanh nghiệp Biển Đông ở Nam Định cho biết, trong tháng 5 vừa qua, công ty này đã nhận được đơn hàng từ các doanh nghiệp Hàn Quốc, sẵn sàng nhập khẩu khoảng 6.000 tấn thịt ba chỉ và khoảng 3.000 tấn thịt chân giò. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn chưa xuất khẩu được thịt lợn ngay vì còn vướng với cơ quan thú y Hàn Quốc. Chính vì vậy, các DN đều mong mỏi là làm sao để mở được thị trường cấp quốc gia, từ đó, có được một tiêu chuẩn chất lượng chung cho sản phẩm thịt lợn xuất và nhập khẩu.
Việt Nam cũng cần học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia xung quanh như Philippines, Thái Lan. Ví dụ như phải thiết lập hệ thống giám sát dịch bệnh, đẩy mạnh tiêm phòng vaccine, thắt chặt quản lý vận chuyện gia súc và tăng mức xử phạt cao.
Thống kê mới nhất của Tổng cục Thống kê, hiện nay cả nước vẫn còn tới gần 3,5 triệu hộ chăn nuôi lợn. Nhưng số hộ nuôi từ 1 đến 5 con lên tới gần 2,4 triệu hộ. Đây là những người chăn nuôi theo kiểu, tiện có chuồng thả một vài con lợn, đắt nuôi, rẻ bỏ nên việc kiểm soát dịch ở đây sẽ là điều hết sức khó khăn. Rõ ràng trong giai đoạn khó khăn này, khi các hộ còn nhỏ lẻ, việc bà con liên kết với nhau để đảm bảo an toàn thực phẩm, hạ giá thành là giải pháp quan trọng để vượt qua khó.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!