Thị trường chứng khoán khởi sắc ngày cận Tết Nguyên đán

VTV Digital-Thứ tư, ngày 10/02/2021 06:18 GMT+7

VTV.vn - Hôm qua (9/2) là ngày giao dịch cuối cùng trên thị trường chứng khoán trong nước, sắc xanh đã phủ kín các bảng điện tử.

Trước đó, ngày 8/2, hàng loạt các cổ phiếu còn nằm ở giá sàn và lấy đi của VN-Index hơn 40 điểm chỉ số. Vậy điều gì tác động đến các quyết định của nhà đầu tư?

Nếu cho rằng đó là kết quả kinh doanh của doanh nghiệp thì chưa đúng, bởi từ 8/2 đến 9/2, tình hình kinh doanh của hàng nghìn doanh nghiệp vẫn không thay đổi. Tuy nhiên nếu ngày 8/2, nhà đầu tư đã tìm mọi cách để bán giá sàn thì đến 9/2, lại tranh nhau mua ở mức giá trần.

Để có thể xoay chuyển nhanh, ra các quyết định hoàn toàn ngược chiều nhau như vậy, đó là kỳ vọng. Ngày 8/2, khi các lệnh bán lớn bất ngờ xuất hiện, cùng với những tin tức về số ca COVID-19 tăng lên, HSX bị nghẽn mạng…, nhà đầu tư lo ngại về sự sụt giảm nên bán để cắt lỗ hoặc chốt lời. Hôm qua, vẫn có những ca mắc mới về COVID-19, không nghẽn lệnh dù thanh khoản thị trường đạt hơn 12.000 tỷ đồng, nhưng chỉ số chính lại tăng gần 32 điểm.

Thị trường chứng khoán khởi sắc ngày cận Tết Nguyên đán - Ảnh 1.

Năm qua đánh dấu một sự thăng trầm về cảm xúc nhưng lại là một năm thăng hoa trong lĩnh vực chứng khoán. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

Từ nhà đầu tư tổ chức trong nước và tự doanh các công ty chứng khoán đều quay trở lại mua ròng. Có thể nói, khi lòng tin quay trở lại cũng là lúc dòng tiền quay trở lại.

Trọn bộ VN30 xanh mướt trong phiên giao dịch cuối cùng năm Canh Tý, thậm chí có mã còn đóng cửa trong sắc tím. Cổ phiếu của hầu hết các nhóm ngành như: ngân hàng, chứng khoán, thép, dầu khí đều có giao dịch tích cực.

"Tôi mới tham gia thị trường chứng khoán được nửa năm. Những biến động của thị trường vừa qua cũng làm tôi cảm thấy hoang mang, nhưng phiên ngày cuối năm khởi sắc làm tôi thấy yên tâm hơn", chị Trần Ngọc Trang Ninh, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội, cho biết.

"Thông thường những phiên cuối năm thì mọi người hay rút một ít tiền để tiêu Tết nên thị trường rung lắc nhẹ nhưng hồi phục lại ở cuối phiên. Năm qua là một năm thành công của tôi", chị Vũ Thị Thu Hằng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cho biết.

Theo các chuyên gia, năm qua đánh dấu một sự thăng trầm về cảm xúc nhưng lại là một năm thăng hoa trong lĩnh vực chứng khoán.

"Chúng tôi thấy thị trường ngày cuối năm thể hiện gói trọn tâm lý của nhà đầu tư trong nửa năm vừa qua. Đó là sự lạc quan, đó là sự tin tưởng ở cả nền kinh tế với các khối ngành nghề khác nhau, nó thể hiện qua độ lan tỏa của số mã xanh trên thị trường, sự tăng trưởng của điểm số một cách bền vững và chậm rãi", TS Đỗ Thái Hưng, chuyên gia tài chính, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Finpros, nhận định.

Theo giới phân tích, những phiên giảm điểm liên tiếp thời gian vừa qua đã đưa các cổ phiếu về mặt bằng giá thấp hơn nên việc mua qua Tết cũng bớt rủi ro. Thống kê cho thấy xác suất thị trường chứng khoán tăng điểm trong 5 phiên đầu tiên sau Tết là rất cao. Vì vậy, chuyện nhà đầu tư gom mua cổ phiếu để hy vọng được nhận lộc đầu năm Tân Sửu là điều dễ hiểu.

Không chỉ hôm qua, mà tính riêng trong tháng 1/2021, nhà đầu tư cá nhân và tự doanh công ty chứng khoán đã mua ròng hơn 4.700 tỷ đồng, tập trung vào các nhóm ngành: ngân hàng, công nghệ thông tin, bán lẻ, hàng dịch vụ và công nghiệp.

Cùng với việc công ty chứng khoán đẩy mạnh cho vay giao dịch ký quỹ nên từ đó nhà đầu tư có thêm nguồn lực để gia tăng sức mua, quy mô thanh khoản thị trường nhờ đó mà gia tăng.

Ngoài các nhóm ngành ngân hàng, chứng khoán hay bất động sản vốn được nhà đầu tư chọn lựa, theo thống kê từ Fiin Group, tài nguyên cơ bản; xây dựng và vật liệu; công nghệ thông tin và các ngành hàng phụ thuộc vào cầu tiêu dùng trong nước là các ngành có lợi nhuận tăng trưởng tốt trong năm 2020, nhưng định giá hiện tại vẫn tương đương hoặc chưa quá cao so với bình quân 3 năm.

Nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh giao dịch qua ETF

Hôm qua, nhà đầu tư nước ngoài dù cuối phiên chiều có tích cực mua vào nhưng cũng không thay đổi được kết cục bán ròng hơn 480 tỷ đồng và xét từ đầu năm đến nay, động thái chính của họ là bán ròng. Vậy bán ròng là rút khỏi thị trường hay là họ có chiến lược thay đổi danh mục nào khác để phù hợp với thị trường Việt Nam?

Tính chung từ đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang bán ròng, tính riêng trên HSX là 1,68 triệu cổ phiếu, giá trị bán ròng gần 3.950 tỷ đồng.

Trong đó, cổ phiếu Hòa Phát đã bị nhóm này bán ròng mạnh 2.865 tỷ đồng, tương đương gần 73%. Nguyên nhân chủ yếu là tiền bị rút ròng khỏi một số ETF của Hàn Quốc và một số quỹ đến hạn phải đóng.

Thị trường chứng khoán khởi sắc ngày cận Tết Nguyên đán - Ảnh 2.

Tính chung từ đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang bán ròng. (Ảnh minh họa: NLĐ)

Trong khi đó, dòng tiền ngoại đang chảy mạnh vào 3 ETF do Dragon Capital VFM quản lý, đặc biệt là VFM Diamond với số tiền huy động ròng tới 41,7 triệu USD.

Hiện để mua được nhiều cổ phiếu đã cạn room ngoại, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải bỏ ra số tiền cao hơn từ 7 - 20% so với thị giá cổ phiếu. Vì vậy, chứng chỉ quỹ mở đang là lựa chọn yêu thích của nhiều nhà đầu tư và việc bỏ tiền vào ETF cũng làm cho thanh khoản thị trường cơ sở được cải thiện.

Sau phiên bán ròng mạnh do ảnh hưởng tâm lý trước những thông tin mới về COVID-19, các nhà đầu tư ngoại cho biết vẫn chưa thay đổi đánh giá về triển vọng thị trường Việt Nam với niềm tin dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát.

Sự kỳ vọng về thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2021 của các đối tượng nhà đầu tư từ trong đến ngoài nước là có cơ sở bởi thực tế, đợt điều chỉnh giảm cuối tháng 1 vừa qua đã đưa P/E của VN-Index từ mức 19.2x (ngày 18/1/2021) về mức hiện tại (16.04), thấp hơn P/E bình quân 5 năm qua (16.3x). Dịch bệnh COVID-19 có thể còn diễn biến phức tạp nhưng với kinh nghiệm và khả năng kiểm soát tốt của Việt Nam, các nhà đầu tư đều có quyền hy vọng về cơ hội vượt đỉnh của của chỉ số VN-Index trong năm 2021 này.

Năm nay, một năm chứng khoán được nhiều người quan tâm và đầu tư, con số nhà đầu tư mới mang tên F0 tăng gấp đôi, gấp 3 năm 2020 là minh chứng rõ nhất. Kết phiên giao dịch ngày 9/2, nhìn lại cả năm qua có những nhà đầu tư có lãi to, lãi nhỏ, đâu đó còn có nhà đầu tư còn lỗ...

Thị trường chứng khoán trong nước rung lắc dữ dội Thị trường chứng khoán trong nước rung lắc dữ dội

VTV.vn - Sáng nay (8/2), thị trường chứng khoán trong nước chứng kiến sự giằng co rung lắc dữ dội. Càng về cuối phiên sáng, áp lực bán càng lúc càng mạnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước