Tờ Tuổi trẻ thống kê, kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, thị trường đã bốc hơi giá trị gần 8 tỷ USD, có đến 571 mã cổ phiếu giảm giá, trong đó việc rớt giá mạnh của những cổ phiếu blue-chip là tác nhân chính dẫn đến tình trạng này.
Phiên giao dịch ngày sau đó tiếp tục là một ngày "đen tối" khi có thời điểm, chỉ số Vn- Index mất hơn 60 điểm, tương ứng mất hơn 6%. Đây là mức giảm kỷ lục của thị trường chứng khoán Việt Nam từ trước đến nay. Cuối phiên giao dịch, vốn hóa thị trường tiếp tục bốc hơi hơn 130.000 tỷ đồng, tương ứng gần 6 tỷ USD. Như vậy chỉ trong 2 phiên giao dịch đầu tuần, vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam mất đi khoảng 14 tỷ USD.
Cùng với xu hướng trên thế giới, thị trường chứng khoán Việt đã có một tuần suy giảm mạnh (Ảnh: NASDAQ)
Trả lời phỏng vấn của tờ Tiền phong, Chủ tịch công ty Chứng khoán Sài gòn SSI Nguyễn Duy Hưng cho rằng, 2 nguyên nhân dẫn đến cơn bão vừa quét qua thị trường chứng khoán Việt Nam đến từ tác động của thị trường thế giới với sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Mỹ. Ngoài ra, nguyên nhân sâu xa hơn chính là thị trường chứng khoán trong nước đã tăng quá nóng và bị tận dụng quá mức.
Giới đầu tư đổ xô vào bán cổ phiếu, dư mua thấp, dư bán ngập tràn bằng mọi giá khiến thị trường nhuốm đỏ sàn. Đó là sự mô tả chính xác nhất những gì diễn ra trong 2 phiên giao dịch đầu tuần. Thế nhưng, đà sụt giảm này đã tạm dừng lại 1 ngày sau đó với sự phục hồi của các thị trường chứng khoán hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật. Theo nhiều chuyên gia tài chính đánh giá, cú sốc bên ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam không đáng lo ngại, thậm chí đây còn là cơ hội tốt.
Đợt suy giảm mạnh vừa qua được xem là cơ hội giúp các nhà đầu tư thận trọng, tỉnh táo hơn khi tham gia thị trường, từ đó thị trường sẽ sớm ổn định trở lại và tăng trưởng có chọn lọc, phù hợp với tăng trưởng bền vững của nền kinh tế, tránh đầu tư theo phong trào
Cơ hội được nói tới ở đây là giúp các nhà đầu tư thận trọng, tỉnh táo hơn khi tham gia thị trường, từ đó thị trường sẽ sớm ổn định trở lại và tăng trưởng có chọn lọc, phù hợp với tăng trưởng bền vững của nền kinh tế, tránh đầu tư theo phong trào. Tờ Sài Gòn giải phóng cũng cho biết, chỉ tuần trước, ngân hàng UBS – ngân hàng Thụy Sĩ uy tín hàng đầu thế giới đã ra báo cáo khẳng định "Việt Nam quá lôi cuốn để có thể bỏ qua". Trong đó dự báo GDP của Việt Nam có thể đạt được kịch bản tăng trung bình 7,2%/năm trong nửa thập kỷ tiếp theo và khẳng định nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng ổn định chứ không quá nóng với sự kiểm soát tốt lạm phát.
Ngoài ra, tín hiệu tích cực cũng đã đến trong phiên giao dịch cuối tuần, VN Index giữ được mốc quan trọng 1.000 điểm, đây là ngưỡng quyết định tâm lý của nhiều nhà đầu tư sau một phiên giao dịch đầy biến động.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!