Thị trường dầu biến động sau tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ ba, ngày 06/06/2017 08:36 GMT+7

VTV.vn - Sau quyết định cắt đứt ngoại giao tại các nước vùng Vịnh với Qatar, ngay lập tức đã tác động mạnh tới giá dầu.

Khu vực vùng Vịnh - rốn dầu của thế giới ngày 5/6 đã trở thành tâm điểm chú ý khi một loạt tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar. Ngay sau thông tin này, thị trường giao dịch dầu thô New York của Mỹ đã bị tác động mạnh.

Theo ghi nhận của phóng viên đang có mặt tại Mỹ, dầu thô tại New York đã có những giao dịch trái chiều. Đầu phiên khi có thông tin 4 nước cắt đứt quan hệ với Qatar, giá dầu đã tăng đột ngột.

Các nhà đầu tư đã cho rằng, căng thẳng ở Trung Đông có thể sẽ làm gián đoạn tới nguồn cung dầu trong thời gian tới, như thế giá dầu sẽ tăng và họ đã mua vào. Tuy nhiên đến cuối phiên, dầu thô lại quay đầu mất khoảng 26 cent (tức gần 6 ngàn đồng) mỗi thùng, và trụ ở mức 47,40 USD.

Có lẽ nhà đầu tư có một lý do lớn hơn để lo lắng. Đó là khi bị các nước cắt quan hệ, Qatar - một trong những thành viên của OPEC có thể sẽ không làm theo những cam kết cắt giảm sản xuất dầu vốn được thống nhất trong nhóm trước kia. Nếu Qatar làm việc đó, nhiều khả năng các nước khác cũng sẽ làm theo, từ đó nguồn cung dầu sẽ lại dư thừa.

Hiện nay cũng chưa có một dự đoán cụ thể nào về mức giá của dầu thô trong thời gian tới. Nhưng nguồn cung dầu tăng đang là dự đoán chung của thị trường lúc này. Có hai yếu tố chính gây áp lực lên nguồn cung dầu:

Qatar hiện chỉ có sản lượng 600 ngàn thùng dầu/ngày, đây là mức thấp trong khối OPEC. Tuy nhiên, trong 4 nước cắt đứt quan hệ với Qatar có 2 nước là Saudi Arabia và UAE cùng nằm trong OPEC với Qatar.

Đây lại là hai trong số các nước có sản lượng sản xuất dầu lớn nhất khối và đang chủ trương kêu gọi các thành viên khác cùng cắt giảm sản lượng dầu. Vì thế mâu thuẫn ngoại giao vừa rồi có thể sẽ khiến việc thống nhất cắt giảm trong OPEC thời gian tới rất khó tìm được tiếng nói chung.

Một nhân tố nữa cũng có thể đẩy nguồn cung dầu tăng là Mỹ. Trong khi sản lượng của OPEC từ tháng 1 đến tháng 4 vừa rồi giảm, sản lượng dầu ở Mỹ tính đến cuối tuần trước có 11 tuần tăng liên tiếp. Mỹ vừa rút khỏi Hiệp định Chống biến đổi khí hậu Paris. Đây được cho là một tín hiệu nới lỏng cho các nhà sản xuất dầu đá phiến tăng cường khai thác dầu.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước