Tính chung cả tuần, giá dầu Brent và giá dầu thô ngọt nhẹ New York (WTI) giảm lần lượt 1,8% và 0,5%.
Trong phiên giao dịch đầu tuần (20/3), giá dầu thế giới đi xuống, bất chấp thông tin Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) có thể ủng hộ việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng sang nửa cuối năm 2017. Theo giới phân tích, các nhà đầu tư có thể tiếp tục giảm lượng mua vào giữa bối cảnh các nhà sản xuất dầu Mỹ tăng cường hoạt động khai thác, phần nào "bù đắp" lại những nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC.
Sang phiên giao dịch ngày 21/3, giá dầu thế giới tiếp tục giảm do thị trường lo ngại về nguồn cung toàn cầu quá dư thừa. Các chuyên gia nhận định cho tới nay, thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn do mức độ tuân thủ của các bên tham gia chưa thật đồng đều và do một số nhà sản xuất dầu mỏ lớn khác, đặc biệt là Mỹ, tiếp tục gia tăng sản lượng.
Phiên 22/3, thống kê cho thấy lượng dự trữ dầu mỏ của Mỹ theo tuần tăng mạnh hơn dự kiến đã đẩy giá "vàng đen" giảm sâu hơn. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết kho dầu dự trữ của nước này đã tăng gần 5 triệu thùng lên 533,1 triệu thùng vào tuần trước, vượt xa mức dự báo tăng 2,8 triệu thùng. Các nhà phân tích cho rằng giá dầu đang chịu áp lực khi sản lượng dầu của Mỹ nhiều lên càng làm gia tăng quan ngại về nguồn cung toàn cầu quá dư thừa.
Tới phiên giao dịch ngày 23/3, giá dầu thô thế giới giảm xuống gần mức thấp nhất của bốn tháng qua. Theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes Inc, số giàn khoan dầu hoạt động tại Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 17/3 đã tăng 14 giàn lên 631 giàn, mức cao nhất kể từ tháng 9/2015.
Trong phiên cuối tuần, giá dầu thế giới lấy lại đà tăng, nhờ hoạt động mua vào của các nhà đầu tư. Chốt phiên này, giá dầu WTI tăng 27 xu Mỹ lên 47,97 USD/thùng; còn giá dầu Brent Biển Bắc tăng 24 xu Mỹ lên 50,80 USD/thùng.
Một quan chức thuộc Bộ Năng lượng Saudi Arabia dự báo xuất khẩu dầu thô của nước này sang Mỹ trong tháng Ba sẽ giảm khoảng 300.000 thùng/ngày so với tháng trước đó. Quan chức này đặt kỳ vọng sự sụt giảm này sẽ giúp làm hao hụt mức dự trữ kỷ lục của Mỹ.
Triển vọng nguồn cung dầu ngoài OPEC gia tăng khiến các nhà phân tích của J.P. Morgan hạ dự báo giá dầu trong năm 2017 và 2018 xuống còn 55,75 USD/thùng và 55,50 USD/thùng đối với dầu Brent và 53,75 USD/thùng và 53,50 USD/thùng đối với dầu WTI.
Trong khi đó, chiến lược gia từ Vontobel Asset Management, Jeremy Baker, cho rằng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm 2017 dự kiến sẽ vẫn mạnh và cao hơn 0,2-0,4 triệu thùng/ngày so với mức tăng trưởng trung bình trong dài hạn là 1,2 triệu thùng/ngày.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!