Ban đầu, một số gia đình gặp áp lực về tài chính đã tìm đến đồ cũ như một cách tiết kiệm chi phí. Dần dần, mua bán đồ cũ trở thành xu hướng.
Ngành hàng mua bán đồ đã qua sử dụng tăng trưởng gần 15% vào năm 2021, nhanh gấp đôi so với thị trường bán lẻ và đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong lịch sử của ngành, theo báo cáo kinh doanh hàng đã qua sử dụng năm nay của OfferUp.
Người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ, có xu hướng tìm kiếm mua hàng đã qua sử dụng (Ảnh: mcgillbusinessreview.com).
Ngành hàng này chủ yếu kinh doanh quần áo cũ. Theo OfferUp, 82% người Mỹ, tương đương 272 triệu người, mua hoặc bán các sản phẩm đã qua sử dụng, bao gồm đồ điện tử, đồ nội thất, đồ gia dụng và thiết bị thể thao và quần áo.
Trong 5 năm tới, thị trường hàng đã qua sử dụng dự kiến sẽ tăng 80% và đạt 289 tỷ USD.
Người mua tiết kiệm tiền, sở hữu các mặt hàng độc
Hầu hết người tiêu dùng mua đồ đã qua sử dụng do giá rẻ. Theo một báo cáo của CouponFollow, những người này tiết kiệm trung bình gần 150 USD mỗi tháng, hay 1.760 USD một năm bằng cách mua đồ cũ.
Tuy nhiên, tiết kiệm tiền không phải là động lực duy nhất, CouponFollow cho biết. Người mua hàng chuyển sang mua đồ cũ còn vì nhiều lý do khác, chẳng hạn như tính bền vững và như một cách để sở hữu những món đồ xa xỉ khó tìm.
Mua bán hàng đã qua sử dụng góp phần bảo vệ môi trường nên hoạt động này dễ dàng được xã hội chấp nhận, Brett Heffes, Giám đốc điều hành của Winmark, nhà nhượng quyền của các cửa hàng bán đồ cũ, cho biết.
"Khi tôi bắt đầu kinh doanh mảng này, mọi người vẫn có sự kỳ thị nhất định đối với các mặt hàng đã qua sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay sự kỳ thị đó đã không còn nữa", ông nói.
Trên thực tế, đôi khi việc tìm mua đồ cũ là cách duy nhất để bạn sở hữu một đôi Air Jordans phiên bản giới hạn hoặc những món đồ độc khác mà bạn ao ước từ lâu.
Ông Adam Davis - Giám đốc điều hành của Wells Fargo, người làm việc với các doanh nghiệp bán lẻ hàng đã qua sử dụng - cho biết thêm, một nguyên nhân khác thúc đẩy việc kinh doanh đồ cũ là mong muốn được sở hữu những mặt hàng "độc" cho dù phải trả nhiều tiền hơn so với giá bán lẻ ban đầu.
Người tiêu dùng giàu có đang dẫn đầu "cuộc cách mạng" mua đồ cũ
Ông Heffes cho biết, những người mua sắm trẻ tuổi, đặc biệt là thanh thiếu niên, là nhóm người tiêu dùng góp phần lớn vào sự tăng trưởng của thị trường hàng đã qua sử dụng hoặc từng được sở hữu. "Chúng tôi bán được rất nhiều giày thể thao", ông nói.
Người tiêu dùng giàu có cũng không nằm ngoài cuộc chơi (Ảnh: Getty).
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều "người tiêu dùng giàu có tham gia vào cuộc cách mạng mua hàng đã qua sử dụng", Chris Richter - Giám đốc điều hành của trang web bán lẻ FloorFound - cho biết.
Với giá trị của sản phẩm và mong muốn mua sắm một cách bền vững hơn, "người tiêu dùng đang có xu hướng mua đồ đã qua sử dụng hay được sở hữu trước đó thay vì mua mới", Richter nói thêm.
Thậm chí, phần lớn người mua sắm đồ cũ là những người tiêu dùng có thu nhập cao. Theo một cuộc thăm dò ý kiến của hơn 1.000 người trưởng thành của FloorFound, gần 9 trong số 10 người mua sắm kiếm được hơn 175.000 USD một năm đã từng mua một món đồ cũ, cao hơn 14 điểm phần trăm so với mức trung bình của cuộc khảo sát.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!