Theo số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu công bố, trung bình khoảng 100 công việc có sẵn trên thị trường lao động có 3 công việc không thể tuyển được người làm, tỷ lệ cao nhất từ trước tới nay. Các doanh nghiệp đang phải cạnh tranh với nhau về lương bổng, phúc lợi và điều kiện làm việc cũng như số ngày đi làm.
Tỷ lệ thất nghiệp tại tại Liên minh châu Âu đã xuống tới 6% trong tháng 2/2023, mức thấp kỷ lục. Tuy nhiên, thị trường lao động châu Âu tiếp tục thiếu nhân lực ở mức trầm trọng. Chỗ làm trống ngày càng nhiều, nhân lực ngày càng hiếm.
Thị trường châu Âu ngày càng khan hiếm nhân lực.
Từ Pháp, Đức, Italy, tới Ba Lan, Rumani… số lượng chỗ làm trống cần tuyển người cứ năm sau lại cao hơn năm trước, chỉ sụt giảm đôi chút năm đại dịch rồi lại tăng vọt trong hầu hết mọi ngành nghề.
Ông Sergio Estela - Liên đoàn Công nghiệp, Xây dựng và Nông nghiệp Tây Ban Nha cho biết: "Chúng tôi cần người có nghề như thợ điện, thợ nề, thợ lắp ống nước. Cần nhiều nhân công, càng sớm càng tốt".
"Đó là một cuộc chiến dai dẳng. Ngày nào chúng tôi cũng phải cố gắng mới liên tục có đủ công nhân lành nghề. Chúng tôi tìm mọi cách, không chỉ để tuyển dụng được nhân viên mà còn phải giữ chân họ nữa", ông Sascha Klett - Giám đốc công ty Ziehl-Abegg Automotive, Đức cho hay.
Với mức lạm phát dự báo tăng 5,3% trong năm 2023, nhiều doanh nghiệp cho biết phải tìm mọi cách để giữ chân người đang có và tuyển dụng thêm người mới, mà cách phổ biến nhất vẫn là tăng lương. Song Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu bà Christine Lagarde cảnh báo lương cao càng làm cho lạm phát trầm trọng thêm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!