Cuộc xung đột Nga - Ukraine sắp diễn ra được tròn 1 năm. Khi chiến sự bùng nổ ngày 24/2/2022, thị trường hàng hóa thế giới đã bị chao đảo, kéo theo giá tăng phi mã. Hệ quả là lạm phát tăng cao kỷ lục tại nhiều nền kinh tế.
Vậy sau 1 năm, thị trường hàng hóa như nguyên liệu, nông sản, kim loại, năng lượng có còn bị tác động bởi tình hình chiến sự?
Dù không tham chiến chính thức, nhưng Liên minh châu Âu (EU) bị tác động đáng kể nhất do cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Có thể nói năm 2022 được xem là một năm lục địa già chứng kiến cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ. Chưa bao giờ số lượng các cuộc họp thượng đỉnh của lãnh đạo 27 nước thành viên nhằm giải quyết những khó khăn về năng lượng, về trợ cấp của khối lại diễn ra nhiều tới như vậy.
Tuy nhiên sau 12 tháng, khi chiến sự vẫn còn rất nóng, báo chí châu Âu tuần qua cho rằng, thị trường nguyên liệu thế giới đã không còn lệ thuộc nhiều vào những biến động địa chính trị. Chứng khoán, nhiên liệu và khí đốt dần quay trở lại tuân theo quy luật thị trường, mặc cho châu Âu ngưng nhập khẩu xăng, dầu diesel của Nga, hay nước Nga giảm xuất khẩu khí đốt.
Giá cả trên thị trường hàng hóa năm nay dự báo sẽ không chịu sự biến động lớn. (Ảnh minh họa - Ảnh: PA Wire)
Tình hình chiến sự Ukraine ngày càng ít được giới đầu tư tài chính châu Âu coi là dữ kiện tham khảo.
Báo chí châu Âu ra đầu tuần vừa qua đã quan sát xem giá dầu diesel bán lẻ biến động ra sao sau thời điểm Liên minh châu Âu chấm dứt nhập khẩu xăng dầu của Nga.
Tuy nhiên giá dầu tại cây xăng đã không biến động. Tờ Gazeta Wyborcza của Ba Lan ra hôm 7/2 vừa qua viết: "Lệnh cấm vận nhiên liệu Nga có hiệu lực tại châu Âu kể từ hôm Chủ nhật (12/2) và thị trường không sụp đổ, cũng không có bất kỳ khủng hoảng nào. Thậm chí giá cổ phiếu liên quan tới diesel trên thị trường chứng khoán London vào sáng 6/2 còn giảm và đã về lại mức giá trước khi chiến sự nổ ra". Giá xăng cũng như giá dầu mazut tại Ba Lan vẫn ổn định sau hôm Chủ nhật.
Giá nhiên liệu đã giảm mạnh tại các nước châu Âu so với hồi tháng 8/2022. Tại Đức, tờ Markische Oderzeitung ra hôm Chủ nhật cho biết: "Giá khí đốt bán tới hộ gia đình tại Berlin và Brandenburg bắt đầu giảm, mặc dù mùa đông chưa kết thúc". Một nhà cung cấp khí đốt tại Berlin đã thông báo sẽ giảm giá khoảng 20% kể từ tháng 5. Một công ty khác tuyên bố từ ngày 1/4 sẽ bán khí đốt với giá rẻ hơn 15%, đồng nghĩa với một gia đình có mức tiêu thụ hàng năm 20.000 kilowatt giờ sẽ tiết kiệm được 46 Euro mỗi tháng.
Thị trường nguyên liệu châu Âu đã nhận ra một điều tối quan trọng, theo tờ L'Economia ra tại Italy, đó là cuộc xung đột tại Ukraine không còn tác động nhiều tới nền kinh tế.
Bài báo viết: "Chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi vô cùng nhanh chóng và bất ngờ của tình hình kinh tế. Một kiểu tách rời giữa chiến tranh và kinh tế. Không giống như khi bắt đầu chiến sự, giờ đây, các sự kiện, tuyên bố… liên quan tới chiến sự không tác động ngay lập tức đến giá năng lượng và nguyên liệu thô, đặc biệt là nông sản".
Theo tờ báo Italy, giá các nguyên liệu thô khác cho thấy nhu cầu vẫn được bảo đảm nhờ sự linh hoạt của các nhà cung cấp. Ngay cả sản lượng ngũ cốc của Ukraine cũng giảm ít hơn so với lo ngại trước đó. Tình hình cũng đúng đối với nước Nga.
Bài báo viết: "Mặc dù bị trừng phạt trên thị trường, nhưng nước Nga vẫn sẽ tăng trưởng trở lại, mặc dù hơi chậm". Tờ báo đăng biểu đồ tóm tắt: "Năm vừa qua, các nền kinh tế lớn của thế giới tránh khỏi suy thoái, nhưng tăng trưởng không đáng kể, riêng nước Nga suy thoái 2,2%. Năm nay dự báo Nga có thể tăng trưởng trở lại ở mức thấp 0,3%, riêng nước Anh lại suy thoái đôi chút". Dự báo tăng trưởng đó không quan tâm đến một chi tiết, trước đây đã từng rất quan trọng, đó là chiến sự sẽ tiếp tục ra sao và khi nào mới kết thúc.
Giá nông sản và kim loại quý về mức trước xung đột
Đó là trên thị trường năng lượng, còn trên thị trường nông sản, kim loại, giá cả ổn định, thậm chí giá còn giảm hơn so với mức trước khi xung đột diễn ra.
Theo dữ liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) - đơn vị đã liên thông với hầu hết các Sở giao dịch hàng hóa thế giới, các thông tin xoay quanh chiến sự tại Ukraine đã không còn nhiều tác động tới giá hàng hóa toàn cầu, trừ khi chiến sự có kết quả bất ngờ.
Số liệu cập nhật mới nhất tính đến phiên thứ Năm (9/2) tuần trước, trên thị trường nông sản, giá ngô, lúa mì, đậu tương, cà phê Arabica và Robusta đều giảm so so với mức trước xung đột. Mức giảm từ 3 - 40%.
Còn trên thị trường kim loại, tình hình cũng diễn ra tương tự. Thiếc và Nickel là những nhóm kim loại giảm tới 40% về giá. Vậy trong năm 2023 này, giá cả trên thị trường hàng hóa toàn cầu sẽ ra sao? Những yếu tố nào có thể tác động?
Những yếu tố tác động tới thị trường hàng hóa năm 2023
Nhu cầu từ Trung Quốc
Việc Trung Quốc mở của hoàn toàn trở lại từ ngày 8/1 khiến nhiều dự báo trước đó trên thị trường hàng hóa đã thay đổi. Nhu cầu lớn từ công xưởng sản xuất của thế giới sẽ khiến giá cả nhiều nguyên, nhiên liệu biến động.
Đồng, kim loại quan trọng đối với kinh tế thế giới, đặc biệt nhạy cảm với nhu cầu của Trung Quốc, quốc gia chiếm 50% nhu cầu toàn cầu. Nhà kinh tế trưởng tại Sumitomo Corporation Global Research, dự báo giá đồng sẽ dao động từ 7.000 - 9.000 USD trong năm nay và ít có khả năng vượt 10.000 USD như năm ngoái.
Hiện nhiều dự đoán cũng cho rằng, giá các mặt hàng kim loại tăng hay giảm sẽ phụ thuộc vào mức độ hồi phục của ngành bất động sản - lĩnh vực vốn chiếm 1/4 GDP của Trung Quốc.
Biến đổi khí hậu
Với việc hiện tượng El Nino dự báo sẽ quay trở lại trong năm 2023, chỉ hiện tượng nước biển nóng lên, những đợt nắng nóng ở Bắc bán cầu sẽ gây bất lợi cho hoạt động sản xuất ngô và đậu tương trong nửa đầu năm 2023, bên cạnh các loại cây trồng khác như mía và cà phê.
Bức tranh kinh tế thế giới 2023 dù còn nhiều khó khăn nhưng rõ ràng, giá cả trên thị trường hàng hóa năm nay dự báo sẽ không chịu sự biến động lớn như đã diễn ra sau sự kiện thiên nga đen là xung đột tại Ukraine.
Giá cả phải tuân theo quy luật thị trường là điều vốn dĩ của nó. Tuy nhiên các nhà đầu tư vẫn cần cẩn trọng để đánh giá về những nhân tố khi tham gia đầu tư trên thị trường hàng hóa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!