Mặc dù các đại lý bán xe ô tô đã triển khai nhiều giải pháp gồm hỗ trợ phí trước bạ, hợp tác với các ngân hàng triển khai gói vay ưu đãi nhưng sức mua thị trường vẫn sụt giảm mạnh. Do vậy, thời điểm này bên cạnh nỗ lực từ chính các doanh nghiệp, các giải pháp kích cầu từ cơ chế chính sách cũng rất cần thiết để thị trường ô tô hồi phục.
Một showroom ô tô tại Hà Nội cho biết, doanh số của một số dòng xe ghi nhận trong tháng 4 giảm tới 70% so với cùng kỳ năm trước. Dù đã áp dụng các chương trình khuyến mãi, liên kết với ngân hàng cho vay mua xe với lãi suất từ 0%/năm, hay có xe giảm đến 100 triệu đồng nhưng lượng tiêu thụ vẫn giảm đáng kể.
Sau khi chính sách giảm 50% phí trước bạ của Nhà nước hết hiệu lực vào cuối năm ngoái, một số showroom vẫn tiếp tục hỗ trợ khoản phí này cho khách hàng. Tuy nhiên, doanh số tháng 4 vừa qua vẫn giảm một nửa so với năm ngoái.
Doanh số bán xe toàn thị trường trong tháng 4 đạt hơn 22.400 xe. Ảnh minh họa.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, nhiều hãng xe đã triển khai các chương trình chiết khấu lên tới 12%. Tuy nhiên, để tạo sức bật giúp thị trường hồi phục cần sớm có chính sách hỗ trợ về thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt hay phí trước bạ phù hợp.
Ông Đào Công Quyết - Trưởng tiểu ban truyền thông, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam cho biết: "Việc hỗ trợ của Chính phủ làm cho ngành kinh doanh tốt lên không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp mà cũng sẽ đảm bảo nguồn thu ngân sách của cơ quan Chính phủ và địa phương".
Theo các nhà kinh doanh, nhờ lực đẩy từ chương trình hỗ trợ 50% phí trước bạ, thị trường ô tô năm ngoái đã vượt mốc 500.000 xe, để thoát khỏi mác "thị trường nhỏ". Trước đó, chính sách này cũng đã giúp lượng xe sản xuất và lắp ráp trong nước nửa cuối năm 2020 tăng qua các tháng, đặc biệt tháng 11, 12 có mức tăng trưởng bình quân trên 20%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!