Thị trường thực phẩm châu Âu đang chuyển dịch khiến không chỉ nông dân châu Âu mà những nước xuất khẩu nông sản vào châu Âu cũng buộc phải thích ứng.
Bài báo có tiêu đề "1/4 tổng số người tiêu dùng đang giảm ăn thịt" trên tờ Scottish Daily Mail số ra tại Anh nhấn mạnh thế hệ trẻ ở Anh đang thay đổi một cách cơ bản thói quen ăn uống. Có tới 28% số người Anh được hỏi cho biết đã ăn ít thịt hơn trong 6 tháng qua. Thống kê này không liên quan đến những người ăn chay kiêng thịt hoàn toàn mà được thực hiện với những người tiêu dùng thông thường.
Ngay cả những nước châu Âu - nơi người dân có truyền thống ăn rất nhiều thịt - cũng đang chuyển dịch theo xu hướng chung. Một tờ báo Phần Lan viết: "Hơn 1/3 người Phần Lan đã tăng tiêu thụ rau quả trong năm vừa qua, đồng thời giảm ăn thịt". Tuy nhiên, dù đã giảm ăn thịt nhưng trung bình mỗi năm mỗi người dân Phần Lan vẫn ăn 80kg thịt, quá nhiều so với các nước khác.
Theo một bài trên tờ Tiếng vang của Pháp, xu hướng giảm ăn thực phẩm từ động vật đã được xác nhận bằng những thống kê chính thức. Trong nửa đầu năm 2018, tiêu thụ sữa động vật tại Pháp giảm tới gần 5%, thịt nguội, xúc xích, jambon giảm 1,6% và thịt tươi giảm 1,2%. Cùng lúc, tiêu thụ sữa đậu nành đã tăng mạnh.
Thực tế trên xuất phát từ nhiều lý do. Trong đó, theo bài báo, 79% người Pháp được hỏi cho rằng ăn nhiều thịt tác động xấu tới sức khỏe. Ngoài ra, các vụ bê bối thực phẩm ở châu Âu đều liên quan đến thịt, bò điên, gà nhiễm dioxine, thịt ngựa đội lốt thịt bò và rất hiếm khi liên quan đến rau quả. Điều này càng làm cho người tiêu dùng nghi ngại thịt.
Bên cạnh đó, người châu Âu giảm tiêu thụ thịt còn bởi các phong trào bảo vệ quyền của động vật thỉnh thoảng lại tung ra những video động vật bị đối xử tàn tệ trong lò mổ, vì vậy ngành nông nghiệp buộc phải thích ứng với thói quen tiêu dùng mới.
Một tờ báo Đức có bài "Các lò mổ ở Đức sản xuất ít thịt hơn" có viết: "Suy giảm tiêu thụ liên quan tới tất cả các loại thịt. Trong đó, thịt lợn, thịt bò giảm 2,2%; gà vịt, gia cầm giảm 1,5%; số lượng cừu, dê và ngựa đưa tới lò mổ cũng giảm. Sản lượng của tất cả các lò mổ trên nước Đức trong nửa đầu năm 2018 đã giảm tới 4 triệu tấn so với cùng thời gian năm trước. Nông nghiệp châu Âu đang dần dần chuyển dịch theo hướng giảm sản lượng và tăng chất lượng để đáp ứng xu hướng này".
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!