Giao dịch vàng nhộn nhịp
Giá vàng thế giới tiếp tục đà tăng và đã gần chạm ngưỡng 2.290 USD/Ounce khiến giá vàng trong nước cũng đang tăng theo. Ngày 3/4, giá vàng SJC được giao dịch quanh ngưỡng 79 triệu đồng/lượng mua vào và 81,5 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 400 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và tăng 300 nghìn đồng/lượng chiều bán ra.
Giá vàng nhẫn hôm nay cũng tăng 650 nghìn đồng/lượng lên 70,4 - 71,8 triệu đồng/lượng. Quy đổi theo tỷ giá giữa VND và USD theo hiện hành thì giá vàng trong nước đang chênh lệch 11.000.000 -12.000.000 đồng/lượng so với giá vàng thế giới.
Từ đầu năm đến nay, giá vàng cả thế giới và trong nước đều có xu hướng tăng cao và chưa có dấu hiệu đảo chiều. Những xung đột trên thế giới đã khiến cho nhu cầu bảo vệ và trú ẩn tài sản tăng cao, vì thế giá vàng tăng cũng là câu chuyện dễ thấy.
Chính sách về quản lý thị trường vàng trong nước hiện vẫn đang tiếp tục được bàn thảo, nghiên cứu. Tuy nhiên, nhu cầu về mua, bán vàng nhiều thời điểm còn nhộn nhịp hơn so với trước. Những ngày đầu tháng 4, lượng người đến để giao dịch tại các cửa hàng vàng nhộn nhịp hơn. Dễ thấy vàng đang được cả người già, người trẻ tuổi quan tâm. Không đủ tiền mua vàng miếng thì nhiều người chọn giao dịch vàng nhẫn.
"Có thể do cơ chế quản lý của nhà nước, lượng người mua cao nhưng vàng ít nên các doanh nghiệp có thể đẩy giá lên cao", một người mua vàng nói.
Giao dịch tại một cửa hàng vàng. (Ảnh: NLĐ)
Một số người không mua được vàng SJC thì mua thương hiệu vàng khác. "Em không mua vàng SJC mà em mua vàng nhẫn. Em thấy giá vàng SJC chênh lệch với giá thế giới nhiều quá. Giá vàng thế giới thời gian gần đây liên tục biến động tăng nên em đi mua để tích trữ, biết đâu thời gian nữa nó lại tăng tiếp", người mua vàng chia sẻ.
Cũng có người tranh thủ lúc giá vàng cao thì mang đi bán. "Tôi mua từ lâu rồi. Hôm nay cần tiền mới mang đi bán", người mua vàng khác cho hay.
Thông tin về thị trường vàng sắp có cơ chế quản lý mới khiến cho việc mua bán vàng của người dân nhộn nhịp hơn cả chiều mua lẫn chiều bán.
Ông Nguyễn Đức Anh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc Mạnh Hải cho biết: "Cuối tháng 3, giao dịch kém sôi động. Sang tháng 4 này, hệ thống của chúng tôi ghi nhận là giao dịch tăng cả 2 chiều mua vào và bán ra".
Dù đang chờ cơ chế mới về quản lý thị trường vàng để có sự thông suốt và liên thông với thị trường quốc tế hơn. Nhưng trong lúc cả thị trường ngóng đợi giao dịch vẫn nhộn nhịp cho thấy nhu cầu của thị trường là không hề giảm.
Giải pháp quản lý thị trường vàng
Cơ chế quản lý mới về thị trường vàng được ngóng đợi có nhiều điểm mới. Trong đó có quy định về cung cầu và độc quyền thương hiệu vàng miếng đã được đề xuất gỡ bỏ. Thế nhưng, theo đánh giá, chỉ riêng việc gỡ bỏ độc quyền vẫn chưa thể giải quyết tận gốc chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới mà phải gia tăng nguồn cung và cần cả những cơ chế khác để thị trường vận động minh bạch, liên thông với thế giới.
Dù cơ chế độc quyền vàng miếng đã được đề xuất gỡ bỏ. Nhưng sau khi thông tin này được đưa ra, sự chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế dù có giảm nhưng vẫn duy trì chênh từ 10.000.000 - 12.000.000 triệu đồng/lượng. Tăng nguồn cung được cho là một giải pháp hàng đầu để giảm bớt chênh lệnh này.
"Giải pháp là chúng ta cứ để cho cung cầu gặp nhau. Chúng ta cứ cho nhập vàng về và khi chúng ta cho nhập vàng về, thị trường lưu thông thì giá vàng Việt Nam sẽ tăng theo nhịp của giá vàng thế giới", ông Lâm Minh Chánh - Chủ tịch Học viện BizUni nhận định.
Thị trường vàng đang chờ đợi chính sách quản lý mới.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng đã đến lúc cần mở cửa thị trường và ứng xử với vàng như một loại hàng hóa.
Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright tại Việt Nam: "Thả thị trường không có nghĩa là buông mà anh phải dùng công cụ thuế để điều tiết. Ví dụ mua vàng miếng để đầu cơ, không ai mua vàng miếng để đeo cả thì chúng ta phải đánh thuế hoạt động đầu cơ".
Ngoài tăng nguồn cung, việc cho phép giao dịch vàng tài khoản cũng có thể là một giải pháp cần tính đến. Bởi sẽ góp phần giảm bớt nhu cầu mua vàng vật chất và giúp giảm sự luân chuyển dòng ngoại hối, qua đó giảm sức ép lên tỷ giá. Nhưng quan trọng là có cơ chế quản lý vận hành phù hợp.
Nhiều ý kiến đề xuất về cơ chế quản lý thị trường vàng mới đã được đưa ra. Nhưng rõ ràng để giải quyết tận gốc sự chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới nguồn cung cần phải được bổ sung mới giải tỏa được lượng cầu đã bị tích tụ, vón cục cả chục năm nay khi không có lượng vàng nào được nhập về.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!