Vừa qua, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch chung thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2045. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng phát triển thị xã Phú Mỹ.
Giải phóng tiềm năng, thu hút tối đa nguồn lực cho đầu tư phát triển
Với những lợi thế "cửa ngõ" của vùng, điều kiện thiên nhiên ưu đãi: mực nước sâu, cảng "kín", ít chịu gió bão, ít bị bồi lắng, nằm gần sát tuyến hàng hải quốc tế nhộn nhịp bậc nhất thế giới...; là nơi tập trung các ngành kinh tế trọng điểm như công nghiệp, cảng biển, dịch vụ logistics; đặc biệt là sự kết nối giao thông giữa cảng Cái Mép với các tỉnh miền Tây qua cầu Phước An; kết nối cảng với Sân bay Quốc tế Long Thành qua cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu và đường Vành đai 4… đã tạo động lực, cơ hội mới cho Phú Mỹ tiếp tục phát huy thế mạnh, giải phóng tiềm năng, thu hút tối đa nguồn lực cho đầu tư phát triển, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Vừa qua, Đồ án Quy hoạch chung thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2045 đã được phê duyệt với mục tiêu hướng tới xây dựng và phát triển thị xã Phú Mỹ trở thành thành phố cảng - công nghiệp - dịch vụ logistics, cửa ngõ quan trọng trong giao lưu kinh tế của Vùng, khu vực Đông Nam Á và Quốc tế; thể hiện tầm nhìn chiến lược từ Trung ương, sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu theo đúng tinh thần Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về "Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; Quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Một góc đô thị Thị xã Phú Mỹ từ trên cao. Ảnh: MK.
Tính đến thời điểm hiện nay, thị xã Phú Mỹ đã hình thành một vùng công nghiệp quy mô lớn, đa dạng ngành nghề sản xuất với các sản phẩm sản xuất nổi bật như điện, linh kiện điện tử, thép, gạch men, gốm sứ, giấy, bao bì, nhựa, thủy tinh, phân bón, hóa chất, bột mì, lương thực, thực phẩm, bia; các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp địa phương như: gia công cơ khí, gia công may mặc, gia công đá tẩy, đá chẻ, mỹ nghệ, gạch nung, khai thác khoáng sản, chế biến nông sản, hải sản, cưa xẻ chế biến gỗ mộc dân dụng... Các khu công nghiệp: Phú Mỹ I, Phú Mỹ II & Phú Mỹ II mở rộng, Chuyên sâu Phú Mỹ 3, Mỹ Xuân A, Mỹ Xuân A2, Mỹ Xuân B1 - Conac, Mỹ Xuân B1 - Tiến Hùng, Mỹ Xuân B1 - Đại Dương, Cái Mép, với tổng diện tích 4.727,57 ha, chiếm 55,66% tổng diện tích các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh (4.727,57 ha/ 8.492,66 ha); có 986 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.
Thị xã có 3 cụm công nghiệp đang hoạt động: Cụm công nghiệp Hắc Dịch, Boomin Vina, Tóc Tiên thu hút hơn 348 dự án (176 dự án FDI và 172 dự án vốn đầu tư trong nước), tổng số vốn đầu tư trên 18,987 tỷ USD và hơn 51.300 lao động.
Một góc KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3
Thống kê trên địa bàn thị xã cũng cho thấy có 12.805 cơ sở thương mại - dịch vụ, phát triển các loại hình dịch vụ vận tải, kho bãi, bưu chính, viễn thông, tài chính, ngân hàng, kinh doanh lưu trú, khách sạn, nhà hàng. Xây dựng, sửa chữa nâng cấp 16 chợ truyền thống, phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi.
Thành tựu nổi bật nhất của ngành thương mại, dịch vụ trên địa bàn là tốc độ tăng trưởng cao, bình quân hàng năm của ngành đạt khoảng 18,38%/ năm. Tổng giá trị sản xuất thương mại - dịch vụ khoảng 41.214 tỷ đồng, lĩnh vực thương mại doanh thu đạt 22.211 tỷ đồng.
Hoạt động thương mại, dịch vụ bảo đảm lưu chuyển, cung ứng vật tư, hàng hóa cho sản xuất và tiêu dùng. Để thúc đẩy các hoạt động giao thương, Thị xã Phú Mỹ đã triển khai nhiều giải pháp như: tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn, tổ chức hội thảo, sự kiện, hội chợ… tạo điều kiện cho các doanh nghiệp quảng bá hình ảnh, giới thiệu sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng.
Công nhân đang làm việc trong một nhà máy tại KCN Phú Mỹ
Không chỉ phát triển về thương mại, dịch vụ, lãnh vực nông, lâm thủy hải sản cũng được địa phương này hết sức chú trọng. Hiện trên toàn thị xã có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp lên tới11.850,9 ha.
Trong chăn nuôi, nhiều hộ dân đã đầu tư xây dựng hệ thống chuồng lạnh, sử dụng đệm lót sinh học, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và an toàn dịch bệnh. Đến nay, tại các xã nông thôn mới có 15 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, trong đó 4 trang trại nuôi heo với tổng đàn trên 20.000 con, 11 trang trại nuôi gà với tổng đàn 1,2 triệu con. Nhiều hộ dân còn đầu tư nuôi cá trong ao, hồ và vùng nuôi thủy sản với tổng diện tích hơn 383 ha mặt nước.
Một số sản phẩm của địa phương này hiện cũng đã được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Campuchia như cá lóc bông, hàu. Toàn thị xã đến nay có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao như xã Sông Xoài, Châu Pha, Tóc Tiên, Tân Hải.
Trên địa bàn cũng có 9 hợp tác xã và hơn 11 tổ hợp tác sản xuất ở các địa phương, với khoảng 217 thành viên, giải quyết việc làm hơn 600 lao động nông thôn, hàng năm cung cấp thị trường khoảng 94.437 tấn rau, hơn 3.000 tấn trái cây.
Container chất đầy cảng Cái Mép - Thị Vải
Địa phương này cũng thực hiện chuyển đổi cơ cấu 1.027 ha cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây khác hiệu quả cao hơn, chuyên canh hơn như vùng chuyên canh rau tại xã Châu Pha, Sông Xoài và Tân Hải, xây dựng 65 nhà với tổng diện tích 65.000 m2 nhà màng trồng rau công nghệ cao và hình thành vùng chuyên canh Bưởi tại xã Sông Xoài với diện tích 420 hecta, trong đó diện tích đang cho sản phẩm 270 ha, sản lượng bình quân hàng năm hơn 5.000 tấn.
Sản phẩm của Hợp tác xã Bưởi da xanh Sông Xoài hiện đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu. Địa phương hiện cũng có nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao như bưởi da xanh, sầu riêng Sông Xoài, nấm sò thái, nấm bào ngư, cà phê Nón lá…
Một cảng container trong hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải
Địa phương cần nâng cao chất lượng công tác quản lý quy hoạch, đầu tư, xây dựng
Theo ông Nguyễn Văn Thọ - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: "Trong bối cảnh phát triển bền vững trở thành xu thế chung trên thế giới; kinh tế số, kinh tế chia sẽ, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được lựa chọn; phương thức tăng trưởng, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư; chuyển dịch từ năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo, năng lượng xanh đang được các Quốc gia áp dụng.
Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Quy hoạch chung thị xã Phú Mỹ đã xác định thị xã Phú Mỹ trở thành thành phố cảng, công nghiệp, dịch vụ logistics, cửa ngõ quan trọng trong giao lưu kinh tế của Vùng, khu vực Đông Nam Á và Quốc tế; là một trong những trung tâm kinh tế quan trọng của tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Công nhân đang làm việc trong 1 nhà máy tại KCN Phú Mỹ
Đến năm 2025 xây dựng thị xã Phú Mỹ trở thành thành phố, đô thị loại II. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng, là những tiền đề, định hướng để Phú Mỹ tập trung lãnh đạo, phát triển trong thời gian tới.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, địa phương này cũng cần nâng cao chất lượng công tác quản lý quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn tới, cơ cấu lại các hoạt động sản xuất, dịch vụ trên địa bàn theo hướng hiện đại, lấy kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm và động lực phát triển.
Tái cấu trúc hoạt động sản xuất theo hướng nâng cao các tiêu chuẩn, quy chuẩn về công nghệ sản xuất, giảm phát thải, tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, thân thiện với môi trường.
Bản đồ quy hoạch hệ thống cảng Phú Mỹ. Ảnh: MK.
Đồng thời, uu tiên phát triển các khu đô thị theo hướng hiện đại, quy mô, đẳng cấp và thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, tổ hợp dịch vụ quy mô lớn gắn với định hướng phát triển và các dự án trọng điểm phục vụ liên vùng. Đặc biệt, thị xã Phú Mỹ cũng cần tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, chuẩn bị nguồn lực đất đai, tạo tính sẵn sàng cho hoạt động thu hút và triển khai các dự án đầu tư trọng điể’m trên địa bàn, đảm bảo các điều kiện để thúc đẩy nhanh trong tổ chức triển khai thực hiện các Đề án theo Quy hoạch tỉnh để hình thành hệ thống cảng đặc biệt quốc gia, trung chuyển quốc tế và khu thương mại tự do; xây dựng các tổ hợp quy mô lớn về đô thị - dịch vụ - công nghiệp trong đó có xây dựng khu trung tâm đô thị Phú Mỹ gắn với việc xây dựng trung tâm hành chính - chính trị, đưa Phú Mỹ trở thành đô thị đẳng cấp văn minh, an toàn, phục vụ tốt cuộc sống của người dân".
Xe container đang vận chuyển hàng hoá vào cảng Cái Mép - Thị Vải
Có thể nói, những tiềm năng, lợi thế và những thành tựu đạt được của thị xã về công nghiệp, cảng biển, thương mại, dịch vụ và nông nghiệp đó là cơ sở vững chắc, là nguồn động lực để địa phương này tiếp tục phấn đấu xây dựng thị xã Phú Mỹ trở thành thành phố vào năm 2025.
Box:
Thị xã Phú Mỹ hiện đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào năm 2020; công tác chỉnh trang đô thị được đẩy mạnh, diện mạo đô thị Phú Mỹ ngày càng khang trang, hiện đại. Nhiều năm liền chỉ số xếp hạng cải cách hành chính thị xã đứng đầu toàn tỉnh. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm, phục vụ tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến nay, thị xã không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo chuẩn quốc gia. Các thiết chế văn hóa, tinh thần được quan tâm đầu tư đúng mức.
Nếu như ở thời điểm năm 1994 mức hưởng thụ văn hóa chỉ đạt 2,5 lần/người/năm, thì đến năm 2023 đã đạt 58,1 lần/người/ năm. Số phường đạt chuẩn đô thị văn minh, xã đạt chuẩn xã văn hóa nông thôn mới và thôn, ấp, khu phố giữ vững danh hiệu "Thôn, ấp, khu phố văn hóa'; đạt 100%. Tỷ lệ luyện tập TDTT thường xuyên đến năm 2023 đạt 46,52%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!