Thiếu đơn hàng, thu nhập của người lao động giảm

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 16/08/2023 21:09 GMT+7

VTV.vn - Doanh nghiệp thiếu đơn hàng khiến thu nhập của công nhân giảm, cuộc sống người lao động càng thêm chật vật.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính chung 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt gần 165 tỉ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều doanh nghiệp giảm đơn hàng, thu hẹp thị phần xuất khẩu. Hơn 500.000 lao động bị mất việc, giãn việc, giảm giờ làm, thu nhập không đảm bảo, chủ yếu ở phía Nam.

Anh Hà Văn Thanh (Tuyên Quang) cho biết, thu nhập giảm từ nhiều tháng nay do công ty thường xuyên cho nghỉ việc sớm vì ít đơn hàng. Cộng thêm sau khi chi trả tiền nhà trọ, sinh hoạt hàng ngày, anh Thanh không còn dư đồng nào.

Thiếu đơn hàng, thu nhập của người lao động giảm - Ảnh 1.

Thiếu đơn hàng, thu nhập của người lao động giảm. (Ảnh minh họa - Ảnh: VOV)

Chưa năm nào các doanh nghiệp gia công xuất khẩu gặp khó khăn như năm nay. Đơn hàng tính theo từng tháng, hầu như không có tăng ca. Thậm chí doanh nghiệp chấp nhận gia công cả các đơn hàng giá rẻ để giữ việc cho người lao động.

Đơn hàng giảm, doanh nghiệp gặp khó, còn bản thân đời sống của người lao động cũng không khá hơn khi giá cả hàng hoá tiêu dùng cũng tăng cao.

Khảo sát của Viện Công nhân Công đoàn cuối năm 2022 cho kết quả gần 59% công nhân không có khoản tích lũy và thu nhập giảm còn 5,9 triệu đồng do ảnh hưởng của cắt giảm việc làm.

Tổng thu nhập bình quân của công nhân gồm tiền lương, tăng ca, phúc lợi khoảng 8,74 triệu đồng/tháng, nhưng mức chi tiêu khoảng 10,3 triệu đồng. Thu nhập của công nhân chỉ đáp ứng được 83% chi tiêu.

Trong nửa năm qua, hơn 81.000 lao động bị cắt giảm việc làm đã nhận được hơn 114,5 tỷ đồng, là tổng kinh phí hỗ trợ từ các tổ chức công đoàn. Công đoàn dự báo tình trạng sản xuất ảm đạm có thể kéo dài tới đầu năm 2024, do đó cần tiếp tục có sự hỗ trợ cho người lao động. Dự kiến người lao động mất việc, giãn việc sẽ có thêm những khoản hỗ trợ mới.

Vừa 'khát' đơn hàng, dệt may còn chịu cảnh đơn giá giảm sâu Vừa "khát" đơn hàng, dệt may còn chịu cảnh đơn giá giảm sâu

VTV.vn - Theo Vitas, bên cạnh việc thiếu đơn hàng, các doanh nghiệp dệt may còn đối mặt với khó khăn do đơn giá giảm sâu, thậm chí giảm đến trên 50% so với bình thường.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước