Mới đây, Tập đoàn ô tô Ford đã công bố kế hoạch đóng cửa thêm một số nhà máy cũng như cắt giảm sản lượng. Nguyên nhân được xác định là do khủng hoảng thiếu hụt chip bán dẫn toàn cầu.
Dự kiến lần này Ford sẽ phải đóng 5 nhà máy ở Mỹ và 1 nhà máy Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù chính Ford cũng chưa đưa ra được là bao nhiêu sản phẩm ô tô sẽ bị cắt giảm, nhưng điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu quý này được công bố vào 28/4 tới.
Nguồn cung chip đã chịu sức ép từ khi nhu cầu với các sản phẩm điện tử như máy tính bảng, laptop hay máy chơi game tăng vọt trong đại dịch. (Ảnh minh họa: ET Auto)
Chỉ riêng với Ford, việc thiếu hụt chip bán dẫn có thể gây thiệt hại từ khoảng 1 - 2,5 tỷ USD. Chất bán dẫn được sử dụng rộng rãi trên ô tô, bao gồm theo dõi hiệu suất động cơ, quản lý hệ thống lái hoặc cửa sổ tự động và trong các bộ phận cảm biến được sử dụng trong hệ thống giải trí, đỗ xe.
Trước Ford, hôm 8/4, nhà sản xuất ô tô lớn nhất Mỹ GM cũng đã phải thông báo kế hoạch cắt giảm sản lượng cho nhiều nhà máy tại Mỹ và chỉ có thể đảm bảo sản xuất đầy đủ tại các dây chuyền xe tải vốn là sản phẩm sinh lời chính của hãng.
"GM vốn dĩ không có nguồn linh kiện tồn kho lớn khi đại dịch bắt đầu và do đó rơi vào khó khăn khi nhu cầu thị trường phục hồi trong năm nay. Họ đang cố gắng đảm bảo một số sản phẩm, nhưng các dòng xe bán chạy khác như xe địa hình và bán tải vẫn sẽ chịu cú sốc mạnh", bà Jessica Caldwell, Hãng tư vấn thị trường ô tô Edmunds, cho biết.
Cơn sốt do thiếu hụt chip toàn cầu được dự báo vẫn sẽ kéo dài ít nhất nửa năm tới. (Ảnh minh họa: gmauthority)
Nguồn cung chip đã chịu sức ép từ khi nhu cầu với các sản phẩm điện tử như máy tính bảng, laptop hay máy chơi game tăng vọt trong đại dịch. Việc chính phủ Mỹ thời cựu Tổng thống Donald Trump tăng cường trừng phạt giới công nghệ Trung Quốc năm 2020 cũng giáng một đòn mạnh lên nguồn cung.
"Lệnh cấm vận của Mỹ lên các doanh nghiệp như Huawei đã góp phần tạo ra tình trạng thiếu hụt toàn cầu hiện nay, bởi nhiều công ty phải tăng vọt dự trữ nguồn chip bán dẫn đủ cho 3 - 6 tháng nhằm tránh nguy cơ bị trừng phạt. Chúng tôi không rõ điều này có khơi mào một cuộc suy thoái kinh tế mới hay không", ông Eric Xu, Chủ tịch tập đoàn Huawei, cho hay.
Bất chấp những kế hoạch hiện nay từ Mỹ và EU nhằm tăng cường tự chủ nguồn linh kiện bán dẫn, cơn sốt do thiếu hụt chip toàn cầu được dự báo vẫn sẽ kéo dài ít nhất nửa năm tới, trùng với giai đoạn nhộn nhịp nhất của thị trường ô tô Mỹ vào các tháng mùa hè, do đó các hãng ô tô có thể chịu thất thu tới hàng tỷ USD.
Trung Quốc thiếu tự chủ về chip bán dẫn VTV.vn - Tại Trung Quốc, nhiều ngành công nghiệp đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh cấm công nghệ của Mỹ. Các thiết bị, linh kiện sản xuất chip tiên tiến bị hạn chế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!