Thời của thanh toán quét mã QR

VTV Digital-Thứ hai, ngày 04/09/2023 12:46 GMT+7

VTV.vn - Việc thanh toán thông qua quét mã QR đã trở thành thói quen từ lâu nay không chỉ ở thành phố, mà còn đã đến với vùng cao.

Trong dịp nghỉ lễ dài ngày, nhiều người sẽ lựa chọn đi du lịch cùng với bạn bè hoặc gia đình. Nếu như trước đây, khi đi du lịch tại những điểm nổi tiếng ở các tỉnh miền núi phía Bắc, chúng ta thường mang khá nhiều tiền mặt để chi trả cho các dịch vụ bởi số lượng máy ATM để rút tiền ở khu vực đó khá ít. Nhưng đến nay, khách du lịch đã không còn phải lo lắng bởi các hình thức thanh toán số như quét mã QR, chuyển khoản, quẹt thẻ… đang được ứng dụng ngày càng nhiều.

Phóng viên đã có buổi trải nghiệm tại khu du lịch thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai - một trong những địa điểm ưa thích của khách du lịch trong và ngoài nước.

Sa Pa: Người dân sử dụng phương thức thanh toán mới

Chợ trung tâm của thị trấn Sa Pa, tỉnh Lào Cai được xem là "chợ 4.0". Đối với những tiểu thương, việc thanh toán khi mua hàng thông qua thanh toán bằng mã QR đã trở thành thói quen từ lâu nay.

Ra chợ chỉ mang theo điện thoại, ít khi phải cầm theo tiền mặt. Đó là thói quen của Lù Thị Gống, cô gái dân tộc Mông, trong 3 năm trở lại đây. Bởi theo cô và những tiểu thương tại chợ, việc thanh toán đã dễ dàng hơn rất nhiều nhờ các ứng dụng thanh toán số.

"Tôi không cần phải mang ví tiền, chỉ mang một cái điện thoại thông minh thôi. Khi thanh toán, tôi chỉ cần dùng điện thoại để quét mã QR. Tôi thanh toán một cách rất tiện lợi" - Lù Thị Gống chia sẻ.

Thời của thanh toán quét mã QR - Ảnh 1.

Tiện dụng, dễ dàng sử dụng, đôi khi chỉ cần một tờ giấy in, không tốn phí đầu tư, nên ngày càng nhiều các tiểu thương tại chợ Sa Pa bổ sung thêm mã QR tại quầy hàng của mình.

Tại chợ trung tâm của thị xã Sa Pa, những mã QR xuất hiện ngày càng nhiều, từ các gian hàng bán rau củ, bán thịt hay cả gian hàng bán bún. Và các tiểu thương cho biết lượng khách hàng thanh toán hàng ngày chiếm từ 30-60% là thanh toán bằng mã QR.

Vì việc thanh toán số ngày càng thuận tiện, nên thời gian gần đây tỷ lệ người dân thị xã Sa Pa đi mở tài khoản ngân hàng ngày càng nhiều.

Chỉ tính riêng 7 tháng năm nay, Agribank chi nhánh thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã phát triển được hơn 600 mã QR cho các cửa hàng trên địa bàn. Cùng với đó, đã có trên 1.000 doanh nghiệp và cá nhân mở mới tài khoản ngân hàng số để phục vụ việc giao dịch và thanh toán.

Thời của thanh toán quét mã QR - Ảnh 2.

Trên địa bàn thị xã Sa Pa, tỷ lệ người dân và doanh nghiệp sử dụng các thiết bị thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng gia tăng. Ngoài mã QR, hàng trăm điểm chấp nhận thanh toán bằng máy POS cũng đã được phát triển, với doanh số thanh toán lên tới hàng chục tỷ đồng.

Khi mã QR về chợ vùng cao

Nếu như tại thị xã Sa Pa, việc phát triển thanh toán số, thanh toán không dùng tiền mặt có nhiều lợi thế hơn, bởi đây là điểm du lịch nổi tiếng của cả nước, có lượng du khách đổ về ngày càng nhiều thì với các địa phương khác ở khu vực miền núi phía Bắc, các loại hình thanh toán mới cũng đang có những bước phát triển đáng kể, giúp cho cuộc sống của người dân vùng cao trở nên thuận tiện và hiện đại hơn.

Từ hơn 1 tháng nay, chợ vùng cao Sơn Thịnh, tỉnh Yên Bái đã triển khai mô hình "chợ 4.0", trong đó phổ cập thanh toán qua mã QR cho toàn bộ tiểu thương.

Thời của thanh toán quét mã QR - Ảnh 3.

Còn tại huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, thứ 7 hàng tuần giờ được chọn là "Ngày đi chợ 4.0" với mong muốn thúc đẩy thói quen mua sắm không tiền mặt cho người dân.

Theo Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam Napas, tăng trưởng thanh toán qua mã QR đã đạt hơn 150%. Trong đó, khu vực nông thôn, vùng cao đóng góp đáng kể với độ phủ ngày càng lớn.

Ông Nguyễn Hoàng Long - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam Napas cho biết: "Với đặc tính thuận lợi, tiện, nhanh rẻ như vậy, QR sẽ đi được sâu hơn vào đời sống của người dân với những giao dịch thường ngày".

Với mục tiêu đến năm 2025, 80% người tiêu dùng từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán không tiền mặt, mã QR chính là cách để xoá đi khoảng cách số giữa vùng cao với các đô thị, giúp mục tiêu phổ cập thanh toán số tới đồng bào có thể sớm đạt kết quả.

Thời của thanh toán quét mã QR - Ảnh 4.

Tính đến hết tháng 6 năm nay, tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng đã đạt trên 75%; thanh toán không dùng tiền mặt đạt gần 7,6 tỷ giao dịch với giá trị gần 220 triệu tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mục tiêu đề ra. Tốc độ tăng trưởng thanh toán kênh di động, kênh internet, mã QR tăng trưởng hàng năm cũng đều đạt trên 100%... Nhiều dịch vụ ngân hàng được thực hiện hoàn toàn trên kênh số với quy trình, thủ tục đơn giản, nhanh chóng, tạo thêm phương tiện thanh toán văn minh và hiện đại hơn cho người dân.

Cảnh báo tình trạng giả mạo mã QR thanh toán của cửa hàng

Thuận lợi cho cả người mua, người bán, thế nhưng, thời gian gần đây đã xuất hiện tình trạng một số đối tượng dán đè mã QR thanh toán giả mạo lên các mã QR của nhiều cửa hàng, quán ăn, nhằm chiếm đoạt tài sản. Đây là thủ đoạn mới, do đó người dùng cần hết sức cẩn trọng trong các giao dịch quét mã QR.

Quán bún đậu tại quận Đống Đa, TP. Hà Nội này mỗi ngày bán khoảng 150 suất, số tiền thu về lên đến tiền triệu. Chủ quán cho biết, phần lớn người ăn đều thanh toán trực tuyến, rất tiện lợi nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro. Không ít lần, chị mất tiền vì tin vào những biên lai chuyển khoản giả mạo và gần đây nhất là khi các đối tượng dán đè mã QR giả mạo lên mã QR thanh toán của quán.

Chủ quán bún đậu cho biết: "Khi khách hàng ăn xong hầu như thanh toán trực tuyến. Mình đã bị dán đè mã của mình. Khách bảo chuyển khoản cho mình rồi, xem hoá đơn đàng hoàng nhưng mãi không thấy tiền về tài khoản mà khách về rồi. Kiểm tra thì thấy mã QR bị dán đè lên".

Thời của thanh toán quét mã QR - Ảnh 5.

Cửa hàng, quán ăn, thậm chí là sạp hàng ngoài chợ hay gánh hàng rong, giờ đây, hầu hết đều có mã QR để thanh toán. Như xe bán cafe di động này, anh Hoàng Đình Tiến (quận Đống Đa, Hà Nội) dán tới 3 mã khác nhau, nhưng trước tình trạng giả mạo mã QR như hiện nay, anh dự tính sẽ giảm bớt các kênh thanh toán.

Thời của thanh toán quét mã QR - Ảnh 6.

Ghi nhận thực tế, tại nhiều cửa hàng, mã QR thường được in và đóng khung tại quầy. Một số nơi còn sao thành nhiều bản, dán tại nhiều khu vực trong cửa hàng. Đây cũng là kẽ hở khiến một số đối tượng thực hiện hành vi dán đè mã giả mạo. Theo các chuyên gia, chủ cửa hàng cần tra soát kỹ giao dịch, đơn vị cung cấp ứng dụng cũng cần thêm giải pháp hạn chế rủi ro cho người dùng.

Thanh toán qua phương thức quét mã QR ngày càng thể hiện thế mạnh về sự tiện lợi trong các giao dịch. Dù vậy, để tránh các hành vi lừa đảo, trục lợi, người dùng cần xác minh kỹ các thông tin giao dịch trước khi quét mã chuyển tiền trực tuyến.

Cho phép rút tiền tại ATM bằng mã QR liên ngân hàng Cho phép rút tiền tại ATM bằng mã QR liên ngân hàng Triển khai dịch vụ thanh toán số QR Mastercard tại Việt Nam Triển khai dịch vụ thanh toán số QR Mastercard tại Việt Nam Thanh toán bằng mã QR tăng trưởng trên 150% Thanh toán bằng mã QR tăng trưởng trên 150%

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước