Thời gian vừa qua, TP Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định thành lập Tổ công tác bảo đảm an ninh thị trường vàng trên địa bàn. Trong đó, giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP Hồ Chí Minh là đơn vị có nhiệm vụ thu thập và chuyển giao cho Cơ quan Công an thành phố thông tin, tài liệu danh sách cá nhân mua vàng tại các điểm bán vàng SJC được Nhà nước cho phép. Điều này cũng khiến dư luận đặt ra câu hỏi rằng: Mua bán vàng (hợp pháp) là giao dịch dân sự hợp pháp, cần phải được tôn trọng và đảm bảo bí mật. Việc theo dõi, thu thập thông tin khách hàng có trái với quy định pháp luật, xâm phạm lợi ích và sự an toàn của khách hàng hay không?
Trả lời về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho hay, trước hết, có thể khẳng định rằng mục tiêu quản lý nhà nước về thị trường vàng, với các giải pháp cụ thể được thực hiện đồng bộ nhằm ổn định thị trường vàng, góp phần ổn địn thị trường tài chính tiền tệ, qua đó tác động tích cực đến phát triển xã hội.
Việc NHNN sử dụng biện pháp bán vàng trực tiếp cho người dân thông qua Công ty SJC và 4 Ngân hàng thương mại nhằm mục tiêu này và đảm bảo lợi ích chung của nền kinh tế và của người dân.
Vì vậy, để phát huy hiệu quả của giải pháp này, cần các biện pháp quản lý đồng bộ hiệu quả: về thanh kiểm tra; về tuân thủ quy định hóa đơn chứng từ; về tuân thủ các quy định liên quan đến mua bán vàng miếng. Trong quá trình thực hiện có trách nhiệm của tất cả các bên liên quan từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp mua bán vàng miếng, các ngân hàng thương mại được giao nhiệm vụ bán vàng miếng và của cả người dân, khách mua vàng như: mua bán vàng miếng đúng địa điểm; chấp hành các quy định, các yêu cầu trong hoạt động này: như xuất trình CMND, cung cấp thông tin người mua, mua bán phải thực hiện hóa đơn chứng từ, công khai và minh bạch… Nhận diện như vậy để mỗi cá nhân, tổ chức mua bán vàng tuân thủ quy định của pháp luật.
Còn về vấn đề đặt ra những biện pháp quản lý thị trường vàng cho hiệu quả nhưng không vi phạm đến lợi ích hợp pháp của người dân, đại diện NHNN Chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, hoạt động mua bán vàng liên quan đến nhiều lĩnh vực, do đó, biện pháp quản lý cũng cần phải có công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị để trao đổi cung cấp thông tin; để phối hợp nắm bắt tình hình, thanh tra kiểm tra; cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cũng như làm tốt công tác thông tin truyền thông… Có như vậy mới đảm bảo thị trường hoạt động công khai, minh bạch đúng pháp luật; ổn định và phát triển, hạn chế rủi ro tiềm ẩn và bảo đảm lợi ích chung của nền kinh tế.
Liên quan đến vấn đề này, Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh cũng cho biết thêm, việc lập Tổ công tác đảm bảo an ninh thị trường vàng không phải làm khó người dân mà nhằm duy trì vận hành ổn định thị trường. Việc thu thập, trao đổi thông tin trong Tổ Công tác nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho cá nhân, công ty chế tác có nhu cầu thực để tránh bị ảnh hưởng bởi nạn đầu cơ, trục lợi.
Trên thực tế, Luật Phòng chống rửa tiền cho phép cơ quan chức năng cập nhật thông tin người mua có giao dịch lớn, đáng ngờ.
Theo Thượng tá Hà, các thông tin người mua vàng luôn được bảo mật theo quy định. Cơ quan công an khi lưu trữ, khai thác và sử dụng thông tin cũng đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!