Thông tư 06: Doanh nghiệp bất động sản lo khó tiếp cận vốn

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 16/08/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Việc cấm nhiều đối tượng không được tiếp cận tín dụng tại Thông tư 06 đang nhận nhiều ý kiến trái chiều, nhất là từ các doanh nghiệp bất động sản.

Cuối tháng 6, Ngân hàng Nhà nước cuối tháng 6 đã ban hành Thông tư 06 sửa đổi bổ sung một số điều thông tư số 39/2016 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

Thông tư được ban hành với mục đích kiểm soát rủi ro của hệ thống ngân hàng, trong đó có điều chỉnh một số hoạt động cho vay liên quan đến ngành bất động sản và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9. Nhưng suốt thời gian qua, rất nhiều băn khoăn, lo lắng của doanh nghiệp, bởi tại Thông tư này bổ sung 4 trường hợp khách hàng không được vay tín dụng từ ngân hàng. Cụ thể 4 trường hợp như sau:

- Không được vay để gửi tiền.

- Không được vay để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom.

- Không được vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật tại thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay.

- Không được vay để bù đắp tài chính, trừ trường hợp khoản vay đáp ứng một số điều kiện đi kèm.

Thị trường bất động sản cần tiếp sức

Báo cáo của Bộ Xây dựng về thị trường bất động sản nửa đầu năm 2023 cho thấy, toàn quốc chỉ có 25 dự án nhà ở thương mại được hoàn thành, giảm 50% so với cùng kỳ năm trước; 23 dự án được chấp thuận đầu tư, giảm hơn 70%; và tổng số lượng giao dịch giảm tới 64%. Trong bối cảnh thị trường bất động sản có vẻ ấm hơn sau các giải pháp tháo gỡ quyết liệt của Chính phủ nhưng sức khỏe các doanh nghiệp bất động sản vẫn còn yếu thì họ rất cần tiếp sức, nhất là về vốn.

Chiếm đến 60 - 70% tổng mức đầu tư dự án là tiền sử dụng đất và tiền chi phí hạ tầng. Vay được vốn để trang trải ngay từ khâu này thì dự án mới có hy vọng làm các bước tiếp theo, tiến đến "đủ điều kiện đưa vào kinh doanh". Còn nếu không sẽ không khác gì chưa bơm nhiên liệu mà đã muốn xe nổ máy chạy về đích.

"Nên có những điều chỉnh lại Thông tư 06 để phù hợp với thực tiễn, tránh trường hợp cú đấm bồi cho thị trường bất động sản khó càng khó hơn. Trong trường hợp phù hợp hơn thì có lẽ nên thu hồi Thông tư này và ban hành Thông tư khác phù hợp hơn cho thị truờng", ông Phạm Đức Toản - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ đề xuất.

Thông tư 06: Doanh nghiệp bất động sản lo khó tiếp cận vốn - Ảnh 1.

Việc cấm nhiều đối tượng không được tiếp cận tín dụng tại Thông tư 06 đang nhận nhiều ý kiến trái chiều, nhất là từ các doanh nghiệp bất động sản. Ảnh minh họa.

Các doanh nghiệp kiến nghị việc xác định thế nào là dự án "đủ điều kiện kinh doanh" cần phải làm rõ dựa trên tiêu chí nào, thời điểm nào. Hơn nữa trong bối cảnh hiện nay khi 90% dự án đang chờ hoàn thiện pháp lý, thì thay vì chờ đợi theo doanh nghiệp mà không giúp được gì, tín dụng nên chủ động và linh hoạt hơn theo hướng bám vào chấp thuận chủ trương đầu tư, hợp đồng hợp tác kinh doanh để hỗ trợ vay vốn làm dự án.

Ông Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ Quốc gia cho biết: "Cần phù hợp hơn về lộ trình đề ra, tăng tính chủ động quyền tự quyết của các tổ chức tín dụng nhiều hơn nữa và yêu cầu các doanh nghiệp bất động sản cần tái cơ cấu, kiểm soát hoạt động chi phí cho hiệu quả hơn nữa, đặc biệt thực hiện tuân thủ pháp luật…".

Mới đây, trong Nghị quyết số 97 của Chính phủ ngày 8/7, Chính phủ tiếp tục giao Ngân hàng Nhà nước thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất cho vay thêm từ 1,5 - 2%; có giải pháp hiệu quả đẩy mạnh triển khai thực hiện gói tín dụng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất và 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội. Thông tư 06 ban hành trước thời điểm Nghị quyết 97 của chính phủ, do đó có những ý kiến cho rằng cần lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa tinh thần của Nghị quyết 97 nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Liên quan tới quy định không được cho vay với các "dự án bất động sản không đủ điều kiện kinh doanh", ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, Thông tư 06 cần đảo lại, cần quy định những nhóm dự án nào đủ điều kiện để tiếp cận vay vốn.

"Còn việc quy định không cho vay cũng phải trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là tìm cách tháo gỡ, chứ không phải đưa ra để ra chặn lại hết những hi vọng, nguồn vốn để các dự án có thể tiếp cận. Tôi nghĩ đó là tinh thần Thông tư 06 cần phải bám vào", ông Nguyễn Văn Đính cho hay.

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục ban hành nhiều chính sách quan trọng nhằm tháo gỡ vướng mắc, giúp tình hình thị trường bất động sản đỡ khó khăn, đóng góp cho tăng trưởng. Chính phủ cũng đã khẳng định "không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý" vì bất động sản có vai trò rất quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng. Vì thế những quy định chưa theo tinh thần này cũng cần có những chỉnh sửa cho phù hợp với bối cảnh mới.

Thông tư 06 có thực sự gỡ khó cho thị trường bất động sản? Thông tư 06 có thực sự gỡ khó cho thị trường bất động sản?

VTV.vn - Không riêng gì doanh nghiệp, ngay cả các chuyên gia cũng e ngại "tác động ngược" từ Thông tư 06 đến thị trường bất động sản...

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước