Dưới sự chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, mới đây, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường phối hợp với Cục Quản lý thị trường Hà Nội và Cục Quản lý thị trường Bắc Ninh chia thành hai Tổ đồng loạt ập vào xưởng sản xuất và kho chứa hàng hóa là sản phẩm sa tế có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu "Thuận Phát" tại địa chỉ Thôn Yên Khê, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội và căn nhà tạm, không có biển hiệu tại ngõ Cổng Dền, phường Phù Lưu, TP Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh.
Tại thời điểm kiểm tra, dây chuyền sản xuất ở đây hoạt động theo hình thức không khép kín với các trang thiết bị vật tư và một lượng lớn vỏ hũ, tem, nhãn đựng trong các bao tải...
Cơ quan chức năng đã thu giữ trên 20.000 lọ sa tế tôm mang nhãn hiệu "Thuận Phát" được đóng thành phẩm trong gần 200 thùng carton chuẩn bị vận chuyển đi tiêu thụ.
Các hũ nhựa dùng để đựng sa tế đựng trong rất nhiều bịch nilon. Ảnh: QLTT
Tại cơ sở Bắc Ninh, cơ quan chức năng cũng phát hiện gần 7.000 hũ sa tế tôm tương tự nhưng lại được đề địa chỉ tại phường Thạnh Lộc, quận 12 TP Hồ Chí Minh.
Cơ quan chức năng cho biết, để "lập lờ đánh lận con đen" thì công ty này đã thay đổi địa chỉ trong đăng ký kinh doanh lần 1 vào tháng 5 năm nay.
Ngay cả khi bị bất ngờ kiểm tra hay được mời lên để làm việc phối hợp với cơ quan chức năng thì chủ cơ sở đều không thừa nhận hành vi sai phạm.
Địa điểm chứa trữ hàng hóa tại Bắc Ninh. Ảnh: QLTT
Theo ghi nhận của phóng viên VTV, xưởng sản xuất tại thôn Yên Khê, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội rộng hơn 100m2 có quy mô bài bản và đầy đủ máy móc, thiết bị và cũng là kho trữ hàng hoá.
Đây đều địa điểm đăng ký kinh doanh của hai công ty gồm: Công ty TNHH Chế biến và Sản xuất sa tế tôm ngon Thuận Phát và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thắng Phát do Nguyễn Văn Bằng sinh năm 1979 đứng tên đại diện theo pháp luật đồng thời là chủ sở hữu.
Cơ quan chức năng cho biết, toàn bộ các sản phẩm ở cả 2 địa điểm này đều có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu "Thuận Phát" đã đăng ký bảo hộ trước đó tại Việt Nam.
Báo động xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Việc xác định sản phẩm thật - giả, sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là không hề dễ dàng. Khi một cá nhân hoặc một tổ chức được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu thì theo Điều 123 Luật Sở Hữu trí tuệ có nghĩa cá nhân, tổ chức đó được gọi chung là "chủ thể quyền" đã được Nhà nước thừa nhận họ có quyền độc quyền sử dụng hoặc cho phép người khác sử dụng nhãn hiệu, thương hiệu mà họ đã được cấp.
Còn nếu họ chưa cho phép thì đối tượng xâm phạm nhãn hiệu là vi phạm pháp luật. Cơ quan chức năng đánh giá các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang có dấu hiệu ngày càng gia tăng.
Đại diện chủ thể quyền nhãn hiệu sa tế "Thuật Phát" cho biết, dù thương hiệu kinh doanh và quảng bá qua hàng chục năm qua, người tiêu dùng đều biết đến tuy nhiên vẫn không tránh khỏi việc bị các doanh nghiệp khác tận dụng chính nhãn hiệu đã đăng ký để thu lợi bất chính.
Lực lượng chức năng kiểm tra sản phẩm tại kho tang vật. Ảnh: QLTT
Số liệu thống kê từ Chương trình 168 của Bộ Khoa học Công nghệ về phối hợp hành động phòng và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cho thấy, năm 20210, các lực lượng chức năng đã xử phạt 1.300 vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với tổng số tiền xử phạt trên 25 tỷ đồng.
Các phương thức sản xuất, nhập khẩu, tiếp thị, mua bán các mặt hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ ngày càng tinh vi, có tổ chức liên tỉnh, liên vùng, liên quốc gia và đa dạng, phong phú về hình thức, chủng loại nên rất khó phát hiện, xử lý.
Tổng cục Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, để bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng, của doanh nghiệp làm ăn chân chính, trong thời gian tới sẽ tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để kiểm tra gắt gao và bình ổn lại thị trường sản xuất hàng hóa, nhất là vào dịp cuối năm với các sản phẩm thực phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!