Thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực từ đầu năm sau là nội dung quan trọng nhất trong chương trình hành động chống xói mòn thu ngân sách, trốn thuế toàn cầu với sự tham gia của 141 nước.
Với mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu theo quy định là 15% sẽ tác động mạnh tới môi trường đầu tư của các quốc gia đang có chính sách ưu đãi thuế thấp hơn mức này. Vì vậy, việc đánh giá và ban hành các chính sách mới để hấp dẫn nhà đầu tư trong bối cảnh này là rất cần thiết.
Theo Bộ Tài chính, hiện có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt dưới 15%. Nếu thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng, sẽ có 122 tập đoàn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và một số doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài chịu mức thuế suất 15% theo thông lệ quốc tế.
Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết: "Nếu chúng ta không áp dụng Nghị quyết này thì những ưu đãi đã áp dụng cho các doanh nghiệp thuộc đối tượng thuế tối thiểu toàn cầu như các tập đoàn lớn sẽ phải nộp tại nước xuất khẩu vốn. Do đó, chúng ta phải ban hành ngay chính sách này để thực hiện quyền đánh thuế tại nước phát sinh thu nhập".
Ngân sách Nhà nước sẽ có thêm nguồn để có thể hỗ trợ trở lại cho các nhà đầu tư nước ngoài bằng các biện pháp phi thuế. Hiện nhiều nước đã hỗ trợ nhà đầu tư bằng tiền mặt, đặc biệt với các nhà đầu tư lớn, sản xuất xanh, có hàm lượng công nghệ cao
Ông Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, nói: "Chúng ta có thể hỗ trợ cho họ từ 10 đến 15% trên tổng vốn đầu tư của các nhà đầu tư chiến lược để nhà đầu tư có thể đầu tư vào hạ tầng, nhà kho, hỗ trợ về nhân lực và các chi phí khác. Có như vậy, chúng ta sẽ có thêm điểm cạnh tranh nữa so với các quốc gia khác đã làm".
Khi không còn mức thuế suất thuế TNDN ưu đãi như hiện nay, cần có những chính sách thuế thay thế phù hợp để dòng vốn này tiếp tục chảy mạnh hơn nữa vào Việt Nam
Ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, cho biết: "Đối với đầu tư máy móc thiết bị mở rộng ở đây chẳng hạn có thể miễn giảm thuế. Đối với đầu tư phát triển, phần mềm và nhiều đầu tư khác, chúng tôi đang nghiên cứu và Chính phủ Việt Nam cũng đang xem xét. Chúng tôi đang kỳ vọng Chính phủ Việt Nam sẽ áp dụng sớm để các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư và mở rộng đầu tư tại Việt Nam".
Với những thay đổi của chính sách toàn cầu, cần triển khai chiến lược thu hút FDI mới, tái đầu tư bằng biện pháp phi thuế đa dạng, gắn với quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế để tiếp tục thu hút dòng vốn này vào Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!