Thủ tướng: Chuyển đổi cách làm du lịch "một mùa”, kéo dài thời hạn lưu trú, mở rộng visa điện tử

Thuỳ An-Thứ tư, ngày 15/03/2023 15:01 GMT+7

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

VTV.vn - Theo mục tiêu đến năm 2030, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 47 - 50 triệu lượt, du lịch đóng góp khoảng 14 - 15% GDP

Khách du lịch ngày càng "khó tính"

Ngày 15/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề "Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển".

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng cho biết sau đại dịch, du lịch Việt Nam mở cửa sớm nhưng lượng khách du lịch quốc tế chưa được như mong muốn và mục tiêu đề ra. Việt Nam chưa có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, ngành du lịch đang chuyển đổi, đang phát triển nên chất lượng còn hạn chế, chủ yếu cung cấp các sản phẩm dịch vụ chúng ta có mà chưa chú trọng đáp ứng sản phẩm, dịch vụ mà du khách cần.

"Mức chi tiêu của khách du lịch hằng năm tăng chậm; khách du lịch chủ yếu chi tiêu cho các dịch vụ cơ bản (ăn uống, đi lại, lưu trú). Thủ tục xuất nhập cảnh, lưu trú, y tế... còn bất cập", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng: Chuyển đổi cách làm du lịch một mùa”, kéo dài thời hạn lưu trú, mở rộng visa điện tử - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề "Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển"

Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Nhu cầu của khách du lịch liên tục thay đổi, đòi hỏi ngày càng cao về cả chất lượng sản phẩm, sự trải nghiệm, tính đa dạng, độc đáo; khách du lịch ngày càng "khó tính" hơn.

Cung cấp dịch vụ và sản phẩm mà khách hàng cần

Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu đến năm 2030, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 47 - 50 triệu lượt, du lịch đóng góp khoảng 14 - 15% GDP và nâng tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP lên trên 50% là những chỉ tiêu cao, đạt được không phải dễ

Do đó phát triển du lịch phải đặt trong tổng thể với phát triển kinh tế xã hội với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, cần ưu tiên các nguồn lực. Từ đó, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại với tư duy mới, cách làm sáng tạo.

"Cần chuyển từ "cung cấp cái mình có" sang "cung cấp dịch vụ và sản phẩm mà khách hàng cần"; phát triển ngành du lịch nhanh, bền vững, từ du lịch "một mùa" sang hấp dẫn khách du lịch quay trở lại nhiều lần, cảm nhận được sự an toàn, lành mạnh, mến khách", Thủ tướng cho biết.

Thủ tướng nêu rõ 3 phương châm:

- Tiếp tục đổi mới và nâng cao nhận thức, tư duy về phát triển du lịch, bảo đảm phát triển du lịch một cách bài bản, chuyên nghiệp, có quy hoạch và định hướng lâu dài trên cơ sở nghiên cứu và hội nhập sâu rộng với sự phát triển của ngành du lịch ở các nước phát triển trên thế giới.

- Phát triển du lịch một cách toàn diện và sâu rộng nhằm phát huy tối đa nội lực, huy động và sử dụng hiệu quả ngoại lực, gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình nâng cao sức mạnh tổng hợp, tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh và từng bước xây dựng, xác lập và định vị thương hiệu du lịch Việt Nam.

- Tăng tốc, quyết liệt hành động hơn nữa để tạo ra đột phá trong phát triển du lịch. Coi doanh nghiệp và người dân là chủ thể, khách du lịch là trung tâm, sản phẩm và hạ tầng là nền tảng, dịch vụ tiên tiến, hiện đại là động lực phát triển hoạt động du lịch, nắm bắt nhanh các xu hướng du lịch mới, định hướng các cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp du lịch.

Kéo dài thời hạn lưu trú, mở rộng visa điện tử

Về một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục tăng cường đầu tư và huy động các nguồn lực cho phát triển du lịch. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, các hộ kinh doanh du lịch tiếp cận các nguồn vốn, gói kích cầu; nâng cao năng lực kinh doanh và chất lượng sản phẩm dịch vụ, phù hợp với nhu cầu và biến động của thị trường du lịch.

Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh chuyển đổi số; hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam. Tiếp tục đầu tư, phát triển nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu; đa dạng hóa hình thức đào tạo; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp, thu hút các tập đoàn du lịch lớn trên thế giới tham gia đào tạo nhân lực du lịch.

Thủ tướng: Chuyển đổi cách làm du lịch một mùa”, kéo dài thời hạn lưu trú, mở rộng visa điện tử - Ảnh 3.

Thủ tướng yêu cầu sửa đổi, hoàn thiện chính sách về thủ tục xuất nhập cảnh cho khách quốc tế theo hướng tăng số lượng nước được miễn thị thực và kéo dài thời hạn lưu trú phù hợp với lệ phí hợp lý, mở rộng visa điện tử

"Sửa đổi, hoàn thiện chính sách về thủ tục xuất nhập cảnh cho khách quốc tế theo hướng tăng số lượng nước được miễn thị thực và kéo dài thời hạn lưu trú phù hợp với lệ phí hợp lý, mở rộng visa điện tử. Tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước, quốc tế mở các đường bay và trực tiếp kết nối Việt Nam với các thị trường du lịch trọng điểm, tiềm năng", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục triển khai thực hiện Đề án "Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn". Trong đó đặc biệt chú trọng đến việc cơ cấu lại thị trường khách du lịch.

Tiếp tục đáp ứng tốt nhu cầu du lịch nội địa. Tập trung khai thác có hiệu quả các thị trường nguồn khách quốc tế lớn, chú trọng khai thác các thị trường có khả năng chi trả cao, nghỉ dưỡng dài ngày, đẩy mạnh phát triển và khai thác phân khúc khách theo các sản phẩm chuyên đề mà Việt Nam có thế mạnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước