Trong phiên khai mạc Kỳ họp thường niên lần thứ 5 Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (tức Quốc hội) Trung Quốc khóa XII, ngày 5/3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đọc báo cáo của Chính phủ, trong đó đặt mục tiêu tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong năm nay đạt 6,5%; thấp hơn so với mục tiêu 6,5 - 7% đặt ra năm 2016. Đây được xem là mức mục tiêu thấp nhất mà nền kinh tế lớn thế 2 thế giới đã đặt ra trong 25 năm qua. Mặc dù Thủ tướng Lý Khắc Cường cho rằng, mục tiêu này là thực tế, sẽ giúp định hướng và ổn định các kỳ vọng, nhưng người đứng đầu chính phủ Trung Quốc cũng đã cảnh báo, nước này đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế, cả ở trong và ngoài nước.
Khó khăn đầu tiên mà nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra, đó chính là xu hướng đảo ngược toàn cầu hóa và chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang gia tăng trên toàn cầu. Những tuyên bố về việc đánh thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump, được nhiều học giả đánh giá là nước cờ chiếu tướng đầu tiên mà nền kinh tế lớn thế 2 thế giới có thể sẽ phải đối mặt trong năm nay. Và dường như để từng bước hóa giải điều này, ông Lý Khắc Cường đã cam kết sẽ đối xử công bằng với các doanh nghiệp nước ngoài
Khó khăn thứ 2 mà người đứng đầu chính phủ Trung Quốc nhắc tới là những rủi ro liên quan đến những khoản nợ xấu đang gia tăng. Tổng số nợ của các chính quyền địa phương, doanh nghiệp và hộ gia đình của Trung Quốc đã tăng mạnh từ mức tương đương 150% GDP trong giai đoạn trước năm 2008 lên khoảng 260% GDP hiện nay. Nguyên nhân của tình trạng này được cho là do Bắc Kinh liên tục bơm các khoản tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng trong những năm qua, làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ xuất hiện một cuộc khủng hoảng ngân hàng.
Khó khăn cuối cùng, nhưng được xem là sẽ giải quyết được ngay trong năm nay theo Thủ tướng Lý Khắc Cường, đó chính là việc mạnh tay cắt giảm nguồn cung dư thừa đối với sản lượng thép và than của nước này. Hiện nhiều doanh nghiệp trong hai ngành trên đã và đang đứng bên bờ vực phá sản, kéo theo hàng triệu nhân công không có việc làm. Năm 2016, chính phủ Trung Quốc đã phải đề xuất thiết lập một quỹ hỗ trợ trị giá 15 tỷ USD nhằm đảm bảo ổn định xã hội tại các địa phương từng một thời là động lực kinh tế của cả nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!