Thua lỗ kỷ lục, "con tàu" Đường sắt Việt Nam đi về đâu?

Trần Hiền - Quỳnh Anh-Thứ hai, ngày 06/07/2020 14:37 GMT+7

VTV.vn - Theo báo cáo kinh doanh, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam dự kiến lỗ gần 1.400 tỷ đồng sau thuế trong năm 2020. Đây là con số lỗ kỷ lục của ngành từ trước đến nay.

COVID-19 khiến tình hình thêm bết bát

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cũng dự kiến sản lượng và doanh thu tối thiểu bằng 77% so với năm ngoái.

Lãnh đạo Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cho biết dịch COVID-19 đã khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh của công ty mẹ dự kiến lỗ hơn 711 tỷ đồng. Ngoài ra, VNR cũng dự kiến ghi nhận các khoản lỗ khác như xử lý tồn tại tài chính từ những năm trước chuyển sang, chi phí phải trả, các khoản trích lập dự phòng hạch toán đưa vào chi phí trong năm 2020 là khoảng 682 tỷ đồng.

Sau dịch bệnh, các loại hình vận tải khác như hàng không đang đưa ra nhiều chính sách giảm giá, kích cầu đi lại càng tạo thêm áp lực cạnh tranh gay gắt đối với ngành đường sắt.

Thua lỗ kỷ lục, con tàu Đường sắt Việt Nam đi về đâu? - Ảnh 1.

Theo báo cáo kinh doanh, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam dự kiến lỗ gần 1.400 tỷ đồng sau thuế trong năm 2020

Đặc biệt, sự ra đời của các hãng hàng không giá rẻ với nhiều đường bay mới và cự ly ngắn, trung bình (vốn là lợi thế của vận tải đường sắt) và đường bộ cao tốc đã tạo áp lực cạnh tranh rất lớn và làm giảm thị phần vận tải đường sắt. Ngoài ra, áp lực cạnh tranh ngày càng tăng với đường biển và đường bộ về vận tải hàng hóa...

Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân quan trọng kéo giảm lực đẩy phát triển của ngành do nhiều cơ chế, chính sách vướng mắc chưa được tháo gỡ.

"Kết cấu hạ tầng trực tiếp chạy tàu và nhà ga đều của Nhà nước, không có cơ chế để doanh nghiệp (DN) tự đầu tư. Trong khi, Nhà nước không có đủ vốn, doanh nghiệp có tiền dù muốn cũng không thể tham gia đầu tư.

Ví dụ, ga Sông Lũy (tỉnh Bình Thuận) chỉ cần hơn 30 tỷ đồng để làm thêm đường sắt, kéo dài đường ga, sẽ tạo thuận lợi mỗi năm tăng được 200 tỷ đồng doanh thu, nhưng vướng cơ chế, không thể triển khai. Đây là nút thắt rất lớn" - ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty đường sắt Việt Nam nêu dẫn chứng.

Thua lỗ kỷ lục, con tàu Đường sắt Việt Nam đi về đâu? - Ảnh 2.

Sau khi chuyển sang Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vốn duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng đường ray hàng năm không được giao kịp thời vì cơ chế

Nguy cơ phải dừng chạy tàu

Năm 2019, sau khi VNR được chuyển cơ quan chủ quản từ Bộ GTVT sang Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, vốn duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng đường ray hàng năm không được giao kịp thời vì cơ chế. Dẫn đến thiếu tính chủ động và phá vỡ điều hành tập trung thống nhất trong bảo đảm an toàn, có thể dẫn tới nguy cơ phải dừng chạy tàu.

Lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, ngành đường sắt còn gặp nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất là công tác quản trị, cạnh tranh giữa các ngành, điều kiện cơ sở để phát triển còn hạn chế.

Đường sắt là một trong những ngành không có nguồn lực từ bên ngoài để phát triển, chỉ có dịch vụ bán vé. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã làm việc với VNR, đề ra các chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh và mong muốn các bộ, ngành, đơn vị, địa phương hỗ trợ tổng công ty, sớm trình Chính phủ đề án về kết cấu hạ tầng, bổ sung thêm các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, xây dựng chiến lược phát triển ngành trong những năm tới.

Thua lỗ kỷ lục, con tàu Đường sắt Việt Nam đi về đâu? - Ảnh 3.

Do dịch COVID-19, hơn 3.000 lao động ngành đường sắt đã phải nghỉ việc không lương.

Về giải pháp, Lãnh đạo VNR cho biết, sẽ tổ chức chạy tàu phù hợp với nhu cầu vận tải bị sụt giảm mạnh do dịch COVID-19, cắt giảm tàu khu đoạn khi lượng khách sụt giảm, tăng ga đỗ các tàu đường dài phục vụ du khách, tăng cường tổ chức chạy tàu hàng Bắc - Nam để bù đắp sụt giảm hành khách.

Cùng đó, triển khai phương án vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế khi không chạy tàu khách do dịch. VNR cũng tập trung nghiên cứu áp dụng một số giải pháp để giảm chi phí, hạ giá thành dịch vụ.

Từ tháng 2/2020 đến nay, do tác động của dịch COVID-19, sản xuất - kinh doanh của nhiều đơn vị đường sắt gặp nhiều khó khăn, nhất là các đơn vị vận tải. 4 tháng đầu năm, do dừng chạy tàu trên các tuyến, đã có hơn 3.000 lao động khối vận tải phải nghỉ việc không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc luân phiên, dẫn đến thu nhập bị ảnh hưởng, đời sống gặp nhiều khó khăn.

Hiện tại, ngành đường sắt với hàng chục ngàn lao động đang bị ảnh hưởng rất nặng nề. Vì thế, VNR kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành có cơ chế hỗ trợ DN, miễn nộp các loại thuế, phí; khoanh nợ các khoản vay..

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước