Thúc đẩy dòng vốn vào nền kinh tế và thị trường chứng khoán

VTV8-Thứ ba, ngày 30/05/2023 10:24 GMT+7

VTV.vn - Những giải pháp từ phía nhà quản lý cũng như sự nỗ lực của các thành viên trên thị trường sẽ giúp gia tăng dòng vốn cho thị trường chứng khoán.

Dù còn phải đối mặt với những khó khăn và thách thức, nhưng nền kinh tế Việt Nam trong quý I/2023 vẫn có sự tăng trưởng dương, trong bối cảnh nhiều nền kinh tế khác bị suy giảm tăng trưởng. Tuy nhiên, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam chưa được cao như kỳ vọng, cũng như việc thị trường chứng khoán đã có những tín hiệu tích cực nhưng mới đang chỉ có sự phục hồi nhẹ. Một trong những nguyên nhân chính được chỉ ra là do sự thiếu hụt về thanh khoản, thiếu hụt dòng tiền trong nền kinh tế và thị trường. 

Trong bối cảnh trên, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan quản lý cũng đang thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ cho doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung. Trao đổi trong Talk show Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8, các chuyên gia đánh giá, những khó khăn nhất đã dần qua đi cùng với đó là những giải pháp từ phía nhà quản lý, cũng như sự nỗ lực của các thành viên trên thị trường sẽ giúp gia tăng dòng vốn cho thị trường chứng khoán nói riêng và nền kinh tế nói chung, qua đó thúc đẩy sự tăng trưởng tích cực trong thời gian tới.

Thúc đẩy dòng vốn vào nền kinh tế và thị trường chứng khoán - Ảnh 1.

BTV Mùi Khánh Ly: Như ông bà đã thấy, nền kinh tế đã tăng trưởng trong quý I/2023 nhưng thấp hơn kỳ vọng, trong khi đó, thị trường chứng khoán cũng chưa có sự phục hồi rõ nét. Hai ông bà đánh giá như thế nào về điều này?

Ông Nhâm Hà Hải, Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán An Bình (ABS):

Chúng ta cũng đã thấy, quý I/2023 GDP của Việt Nam tăng trưởng 3,32%, mặc dù có sự tăng trưởng nhưng cũng phải nhìn nhận rằng đây là mức tăng trưởng thấp thứ hai trong lịch sử 13 năm, chỉ cao hơn so với mức tăng trưởng của quý I/2020 là 3,2%.

Nhưng nếu nhìn trong bối cảnh của toàn cầu nói chung với các nền kinh tế như là Mỹ chỉ tăng trưởng khoảng 1,1%, cũng như nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu chỉ tăng trưởng có 0,1%... Còn GDP của Trung Quốc thì tăng trưởng 4,5%. Trong bối cảnh đó, mức tăng trưởng 3,32% của chúng ta cũng là phù hợp.

Còn về thị trường chứng khoán, năm 2021, giá trị giao dịch trung bình/phiên của thị trường chứng khoán Việt Nam là khoảng 26.000 tỷ đồng, đến năm 2022 thì con số này đã tụt về 20.000 tỷ đồng. Năm 2023, chúng ta đang thấy một sự phục hồi nhẹ ở tháng 3 và tháng 4, khi thị trường giao dịch xung quanh ngưỡng khoảng hơn 13.000 tỷ đồng, đó là những tín hiệu lạc quan về mặt tâm lý đối với các nhà đầu tư so với 2 tháng đầu năm. Tuy nhiên, tính chung 4 tháng đầu năm 2023, giá trị giao dịch bình quân/phiên của thị trường chỉ còn khoảng 12.000 tỷ đồng.

Bà Thiều Thị Nhật Lệ, Tổng Giám đốc Công ty CP Quản lý quỹ UOBAM Việt Nam:

Khi chúng tôi đi giới thiệu Việt Nam đến các thị trường trong khu vực, những thị trường mà trong mạng lưới của UOB, chúng tôi đã nhận được những phản hồi từ các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là những nhà đầu tư tổ chức là những định chế tài chính thì họ quan tâm về tốc độ tăng trưởng chậm lại của Việt Nam, cũng như là những khó khăn ngắn hạn hiện tại của thị trường trái phiếu, thị trường bất động sản, qua đó ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, đa số họ đều có cái nhìn tương đối tích cực về những động lực tăng trưởng của Việt Nam trong dài hạn.

BTV Mùi Khánh Ly: Vậy theo ông bà, việc thiếu hụt nguồn vốn hay dòng tiền xuất phát từ những nguyên nhân chính nào?

Ông Nhâm Hà Hải, Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán An Bình (ABS):

Rõ ràng là mức tăng trưởng này bị ảnh hưởng bởi khu vực công nghiệp xây dựng sụt giảm, do nhu cầu của nền kinh tế toàn cầu giảm cho nên khu vực xuất nhập khẩu đã bị sụt giảm khá mạnh từ khoảng 17% đến 20%. Chỉ số sản xuất PMI của Việt Nam ngoại trừ tháng 2 là có tăng trưởng trên ngưỡng 50, còn chỉ số PMI chỉ đạt dưới mức 50 trong tháng 1 cũng như trong tháng 3 và tháng 4/2023. Bên cạnh đó, việc các nhà điều hành đưa ra các biện pháp giúp hạ nhiệt thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau một thời gian phát triển nóng, cũng như đưa ra các chính sách thắt chặt tiền tệ để giảm áp lực lên tỷ giá và chống lạm phát, đã khiến cho các thị trường gặp khó khăn và khiến cho động lực tăng trưởng của Việt Nam bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, tín dụng của các tháng đầu năm chỉ tăng trưởng khoảng 2,57% so với cùng kỳ năm 2022, chứng tỏ có hai nguyên nhân, thứ nhất là khi nền kinh tế ở giai đoạn khó khăn, bản thân các ngân hàng cũng sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn các chính sách giải ngân tín dụng. Và ngược lại, nhu cầu về vay vốn của cá nhân hay của doanh nghiệp cũng sẽ giảm đi do mặt bằng lãi suất cao. Thứ hai, mặt bằng lãi suất trong giai đoạn vừa rồi đã bị đẩy lên cao và chúng ta thấy nguồn tiền huy động của dân cư trong 15 tháng liên tiếp là đều tăng trưởng, tức là tiền đang chảy vào hệ thống ngân hàng thay vì đi qua các kênh đầu tư khác. Và thứ ba là trong giai đoạn khi mà lãi suất FED và các nền kinh tế châu Âu đi theo xu hướng tăng liên tiếp, dẫn đến dòng vốn nước ngoài cũng sẽ bị rút ra. Điều đó cũng làm cho dòng tiền của thị trường chứng khoán Việt Nam bị suy giảm.

Bà Thiều Thị Nhật Lệ, Tổng Giám đốc Công ty CP Quản lý quỹ UOBAM Việt Nam:

Theo tôi, dòng vốn vào thị trường trong thời gian qua có sự sụt giảm đến từ cả nguyên nhân khách quan cũng như nội tại của Việt Nam. Xét về nguyên nhân khách quan, trong thời gian vừa qua FED đã áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ và tăng lãi suất liên tục. Hiện nay, mức lãi suất tham chiếu của Mỹ đã nằm ở ngưỡng khoảng 5% đến 5,25%/năm. Động thái này cũng được áp dụng bởi những ngân hàng trung ương lớn ở các nước phát triển. Điều đó làm cho dòng vốn ngoại quay trở về Mỹ và các thị trường này để hưởng mức lãi suất hấp dẫn, cho nên dòng vốn ngoại đã bị rút bớt ra khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.

Còn về yếu tố nội tại thì tôi cũng đồng ý với những chia sẻ của anh Hải, Ngân hàng Nhà nước trong nửa sau của năm 2022 cũng như là đầu năm 2023 tiếp tục áp dụng chính sách tiền tệ để hỗ trợ cho tỷ giá cũng như kiểm soát lạm phát. Điều này cũng ảnh hưởng đến thanh khoản của thị trường. Và một điểm nữa là khi mà lãi suất cao thì nó cũng làm cho nhà đầu tư có khuynh hướng gửi tiết kiệm ở các ngân hàng nhiều hơn.

BTV Mùi Khánh Ly: Gần đây, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan quản lý đã thực hiện nhiều giải pháp giúp tháo gỡ nút thắt cho nền kinh tế và thị trường, theo hai ông bà thì những giải pháp đó có giúp cho dòng tiền gia tăng trong nền kinh tế và thị trường trong thời gian tới không?

Thúc đẩy dòng vốn vào nền kinh tế và thị trường chứng khoán - Ảnh 2.

Ông Nhâm Hà Hải, Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán An Bình (ABS):

Chúng ta cũng thấy là Chính phủ hiện nay đã triển khai rất nhiều biện pháp cả về chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá, cũng như thúc giục các bộ ngành giải ngân đầu tư công. Với chương trình 120.000 tỷ đồng tín dụng cho nhà ở xã hội, cũng như các biện pháp tháo gỡ cho thị trường bất động sản, hy vọng chúng ta có thể có những dự án nhà ở mới có mức giá hợp lý cũng như lãi suất vay ưu đãi dài hạn để giúp tăng lượng cầu tiêu dùng mua nhà của người dân. Và mặt bằng lãi suất nếu tiếp tục xu hướng giảm thì tôi nghĩ là dòng vốn vào thị trường chứng khoán đối với các nhà đầu tư cá nhân, những dòng vốn chủ lực trong giai đoạn thị trường tăng mạnh, sẽ quay lại và sẽ tiếp tục là động lực cho thị trường.

Bà Thiều Thị Nhật Lệ, Tổng Giám đốc Công ty CP Quản lý quỹ UOBAM Việt Nam:

Tôi nghĩ là tất cả những chính sách hay những biện pháp này sẽ cần thời gian để phát huy tác dụng. Cho nên tôi hy vọng là những chính sách và biện pháp này sẽ cho thấy kết quả rõ rệt hơn trong tăng trưởng GDP của những quý tiếp theo. Thị trường chứng khoán thường sẽ đi trước kinh tế vĩ mô, cho nên tôi nghĩ đó cũng là một trong những lý do mà tại sao tháng vừa rồi nhà đầu tư cá nhân đã quay lại thị trường khá mạnh, như anh Hải có nói là họ giúp bù đắp phần rút ròng của nhà đầu tư ngoại, như vậy là họ đã thấy được triển vọng của nền kinh tế, cho nên họ đã đi trước.

Ngân hàng Nhà nước đã chủ động hạ lãi suất, Chính phủ cũng đã phát đi tín hiệu rất rõ ràng là sẽ tiếp tục trong những tháng tiếp theo. Cho nên về nội tại, chúng tôi có cái nhìn khá tích cực về nền kinh tế và thị trường trong những quý tiếp theo, rủi ro thì vẫn còn nhưng nếu nhìn vào dài hạn thì rõ ràng chúng ta thấy triển vọng sẽ tích cực hơn so với một hoặc là hai quý vừa rồi.

BTV Mùi Khánh Ly: Bên cạnh dòng vốn trong nước thì dòng vốn nước ngoài vào thị trường Việt Nam cũng vô cùng quan trọng. Hiện, FED cũng đã hạ nhiệt tăng lãi suất, khiến giới đầu tư kỳ vọng dòng tiền ngoại trong thời gian tới sẽ cải thiện hơn. Còn theo hai ông bà thì sao?

Thúc đẩy dòng vốn vào nền kinh tế và thị trường chứng khoán - Ảnh 3.

Bà Thiều Thị Nhật Lệ, Tổng Giám đốc Công ty CP Quản lý quỹ UOBAM Việt Nam:

Hiện nay, mọi người đều cho rằng FED có khả năng sẽ không tăng lãi suất nữa. Tuy nhiên, khi nào họ bắt đầu giảm lãi suất thì vẫn còn là một câu hỏi. Nếu kết thúc sớm hơn, chúng ta hy vọng là dòng vốn ngoại có thể bắt đầu quay ngược trở lại các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Còn trong trường hợp mà mặt bằng lãi suất ở các nước này vẫn giữ ở mức cao, không tăng hơn nữa nhưng vẫn giữ ở mức hiện tại, việc mà các dòng vốn quay lại thị trường mới nổi trong đó có Việt Nam có thể sẽ chậm hơn. Còn yếu tố nội tại thì chúng ta đã thấy là Ngân hàng Nhà nước đã hạ lãi suất chính sách để thúc đẩy tăng trưởng và hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời cũng đã phát đi những tín hiệu là vẫn có khả năng sẽ tiếp tục thực hiện cắt giảm lãi suất trong thời gian tới. Tôi nghĩ nếu mặt bằng lãi suất đi theo khuynh hướng giảm trong thời gian tới thì cũng là một động lực rất lớn tác động đến việc giúp dòng vốn trong nước quay lại thị trường chứng khoán.

Ông Nhâm Hà Hải, Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán An Bình (ABS):

Như chị Lệ đã nhận định, việc FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất hay là dừng hẳn vẫn còn rất nhiều yếu tố mà bản thân FED họ cũng đang quan sát. Trong điều kiện như vậy, tôi kỳ vọng nhiều hơn vào các động lực tăng trưởng nội tại của Việt Nam. Trong tháng 5, chúng ta cũng thấy những nhà đầu tư cá nhân đã thực hiện mua ròng vào khoảng hơn 1.600 tỷ đồng, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng đâu đấy khoảng độ 1.500 tỷ đồng. Tức là lực mua ròng của nhà đầu tư cá nhân đang bù đắp lại phần bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài. Và tôi cho rằng xu hướng khi lãi suất bắt đầu giảm như hiện nay và một động thái nữa là Ngân hàng nhà nước vừa ra thông báo giảm tỷ giá mua vào đồng USD, chứng tỏ ngoại tệ đang rất dồi dào, như vậy lượng tiền được bơm ra cho hệ thống rất lớn, các kênh đầu tư khác sẽ trở nên hấp dẫn hơn đối với cả nhà đầu tư. Khi đó, chúng ta kỳ vọng là các nhà đầu tư cá nhân sẽ tham gia vào thị trường tích cực hơn.

BTV Mùi Khánh Ly: Vậy theo hai ông bà, đâu sẽ là những giải pháp thúc đẩy dòng tiền trong nền kinh tế và trên thị trường chứng khoán, qua đó thúc đẩy sự tăng trưởng tích cực trong thời gian tới?

Ông Nhâm Hà Hải, Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán An Bình (ABS):

Những giải pháp mà Chính phủ đưa ra trong thời gian vừa qua đó là những giải pháp rất quyết liệt, rất đa dạng, vấn đề là việc thực thi các cái giải pháp đó như thế nào để đạt được hiệu quả thực sự. Ví dụ như chương trình 120.000 tỷ đồng tín dụng cho nhà ở xã hội, đến thời điểm này cũng chưa giải ngân được, hay như việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn gặp các vướng mắc. Vậy làm thế nào để chúng ta tháo gỡ được những khó khăn đó để dòng chảy của tiền được luân chuyển và nền kinh tế cũng hấp thụ được lượng tiền đấy, qua đó tạo được đà tăng trưởng. Chỉ khi chúng ta thực thi những chương trình đó tốt thì tác động của nó đến nền kinh tế mới có hiệu quả cao.

Ngoài ra, tôi nghĩ cũng có thể triển khai thêm các giải pháp như là giảm hoặc hoãn các khoản thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân hoặc là những chương trình kích cầu tiêu dùng, nó sẽ giúp bù đắp lại các nhu cầu ở bên ngoài vốn đang bị suy giảm.

Bà Thiều Thị Nhật Lệ, Tổng Giám đốc Công ty CP Quản lý quỹ UOBAM Việt Nam:

Chúng ta đã thấy những hành động quyết liệt của Chính phủ và các cơ quan quản lý với những việc làm chưa đúng đắn, vốn đã làm ảnh hưởng mạnh đến tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu hay là thị trường bất động sản. Tôi mong là những chính sách hỗ trợ từ đầu năm đến giờ từ phía Chính phủ cũng như là các cơ quan hữu quan nên nhất quán để làm sao khôi phục được niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường, để các nhà đầu tư yên tâm giải ngân trở lại. Trong suốt hai năm vừa rồi, chúng tôi cũng đi thực hiện quảng bá về thị trường Việt Nam cho các nhà đầu tư quốc tế ở trong khu vực qua mạng lưới rất rộng tại 9 thị trường trong khu vực châu Á của chúng tôi. Và chúng tôi cũng cố gắng làm sao để các nhà đầu tư nước ngoài họ cảm thấy Việt Nam là một điểm đầu tư rất đáng để họ quan tâm nhiều hơn và có triển vọng phát triển bền vững trong dài hạn.

BTV Mùi Khánh Ly: Vâng xin cảm ơn hai ông bà về những thông tin trên!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước