Thúc đẩy giải ngân đầu tư công tạo động lực lớn cho tăng trưởng kinh tế

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 12/08/2023 16:43 GMT+7

VTV.vn - Nửa cuối năm sẽ là giai đoạn để các Bộ ngành, địa phương tăng tốc giải ngân, phấn đấu mục tiêu hoàn thành ít nhất 95% kế hoạch vốn của cả năm.

Nỗ lực tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

7 tháng, cả nước giải ngân vốn đầu tư công ước đạt gần 38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao với lượng vốn lên tới hơn 817 nghìn tỷ đồng của năm nay. Có thể thấy, năm nay vốn đầu tư công của cả nước cao gấp đôi bình quân giai đoạn 2016 - 2020. Ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, lan tỏa đến các Bộ ngành, địa phương. Việc tiếp tục thúc đẩy nguồn vốn này vào nền kinh tế sẽ tạo động lực rất lớn cho tăng trưởng những tháng cuối năm.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, đến ngày 31/7, ước thanh toán vốn đạt hơn 267,6 nghìn tỷ đồng, đạt gần 38% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Bộ Tài chính đánh giá, tỷ lệ ước giải ngân 7 tháng đầu năm nay tăng nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Có 12 Bộ, cơ quan trung ương và 39 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên mức trung bình cả nước là 35%. Trong đó phải kể đến những cái tên rất tích cực như tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An, Phú Thọ, Ngân hàng phát triển, Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên, vẫn còn tới 32 Bộ, ngành và 4 địa phương lại đang giải ngân chưa đến 20% kế hoạch vốn. Bước sang giai đoạn nửa cuối năm, giải ngân vốn đầu tư công đang được các địa phương trên cả nước tăng tốc mạnh mẽ hơn.

Thúc đẩy giải ngân đầu tư công tạo động lực lớn cho tăng trưởng kinh tế - Ảnh 1.

Giải ngân vốn đầu tư công đang được các địa phương trên cả nước tăng tốc mạnh mẽ. Ảnh minh họa.

Tháo gỡ vướng mắc về mỏ vật liệu được xem là giải pháp mà nhiều địa phương đang tập trung triển khai. Như tại dự án đường nối từ đường Trần Hưng Đạo qua phường Dân Chủ của thành phố Hoà Bình kết nối đến Quốc lộ 6, dự án này đang được tỉnh Hoà Bình hoàn thiện những thủ tục cuối cùng để có mỏ vật liệu cung cấp nguồn đất đắp cho công trình. Tỉnh này cũng cho biết sẽ có phương án sử dụng nguồn đất dôi dư của một số cụm công nghiệp để hỗ trợ cho các dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn.

Nhờ việc chủ động được nguồn đất đắp nên đến nay tỷ lệ giải ngân đã đạt gần 40% nguồn vốn được giao. Với tiến độ này, dự kiến đến cuối năm sau dự án sẽ hoàn thành.

Ông Phạm Hữu Long - Giám đốc Ban điều hành Dự án đường nối từ Trần Hưng Đạo đến Quốc lộ 6, tỉnh Hòa Bình cho biết: "Trên cơ sở về nguồn đất mà tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ để làm các thủ tục thì trước khi có nguồn đất đắp để triển khai thì sẽ đồng loạt triển khai thi công các mũi để hoàn thành theo tiến độ đã đề ra".

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, các địa phương cũng thay đổi các phương thức trong việc thu hồi và giải phóng mặt bằng. Trong đó, có việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng các loại đất rừng, đất lúa hay tuyên truyền tạo đồng thuận với người dân.

"Chúng tôi đã phối hợp với địa phương tuyên truyền tốt đến từng hộ dân để người dân nắm được dự án trọng điểm của tỉnh. Chúng tôi đã có những mặt bằng để thi công đảm bảo tiến độ của dự án", ông Nguyễn Mạnh Tuấn - Phó Giám đốc BQL Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông, tỉnh Hòa Bình cho hay.

Nhờ các giải pháp rốt ráo, một số dự án đầu tư công tại các tỉnh như Hòa Bình, Phú Thọ đều dự kiến hoàn thành vượt tiến độ từ 1 - 2 năm.

Có thể thấy, năm nay hàng loạt dự án giao thông trọng điểm được triển khai. Trong đó, phải kể đến những đại công trình như: Cao tốc Bắc - Nam, dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô hay Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh... Đây được xem sẽ là những "con át chủ bài" đóng nhiệm vụ quan trọng cho nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước.

Nếu như trước đây, khâu giải phóng mặt bằng thường sẽ ảnh hưởng nhiều nhất đến tiến độ của dự án, thì nay những vướng mắc liên quan đến công tác này đang được chính quyền các địa phương nhìn nhận và tập trung tháo gỡ ngay từ đầu.

TP Hồ Chí Minh đẩy nhanh giải phóng mặt bằng dự án đầu tư công

Thúc đẩy giải ngân đầu tư công tạo động lực lớn cho tăng trưởng kinh tế - Ảnh 2.

TP Hồ Chí Minh đẩy nhanh giải phóng mặt bằng dự án đầu tư công. Ảnh minh họa.

Trong số hơn 19.100 tỷ đồng đầu tư công đã được giải ngân tại TP Hồ Chí Minh, tương ứng tỷ lệ 28% thì đã có đến 9.400 tỷ đồng là chi cho bồi thường giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 3. Điều này cho thấy dự án quy mô lớn này có vai trò quyết định đến việc TP Hồ Chí Minh có hoàn thành mục tiêu giải ngân cả năm không.

Tính đến giữa tháng 7, tỷ lệ bàn giao mặt bằng cho dự án Vành đai 3 đã đạt hơn 90%. Chính quyền thành phố cũng xác định đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng là điểm then chốt để cải thiện tỷ lệ giải ngân trong thời gian tới.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, năm nay bộ máy chính quyền đặt ra quy định mới là trong thực hiện thủ tục dự án đầu tư công phải giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết, hỗ trợ hiệu quả việc đẩy nhanh giải phóng mặt bằng.

Ông Trần Đức Thắng - Tổng Giám đốc Công ty Văn Phú - Bắc Ái, chủ đầu tư Dự án Đường Vành đai 2 Đoạn 3 cho hay: "Hiện nay thành phố Thủ Đức cũng như các sở ban ngành đang đẩy nhanh đền bù giải phóng mặt bằng cho phần diện tích vướng mắc còn lại. Còn về phía nhà đầu tư chúng tôi sẵn sàng công tác triển khai lại dự án, chi phí để giải ngân cho phần giải phóng mặt bằng".

Lãnh đạo chính quyền TP Hồ Chí Minh yêu cầu ngay từ đầu quý III cần đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án trọng điểm như khép kín đường Vành đai 2, Vành đai 4, hay Cao tốc Mộc Bài - TP Hồ Chí Minh...

Cắt giảm thủ tục thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Ngay từ đầu năm, Thủ tướng đã ban hành nhiều quyết định, chỉ thị để đôn đốc, thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Đây là động lực giúp lượng vốn phân bổ năm nay từ các chương trình lớn như chương trình Phục hồi phát triển kinh tế xã hội, hay chương trình đầu tư công trung hạn, đều được sớm hoàn thành thủ tục và chỉ chờ dự án được thực hiện và giải ngân theo tiến độ.

Ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: "Đối với các dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, thì sau kì họp Quốc hội vừa qua, cơ bản thủ tục dư án đã giải quyết, các cấp các ngành cần đẩy nhanh tiến độ phê duyệt những thủ tục còn thiếu để các dự án đi vào triển khai ngay lập tức".

Ông Trần Quân - Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước cho hay: "Kho bạc Nhà nước thường xuyên rà soát, hoàn thiện các quy trình về kiểm soát chi, thanh toán liên thông làm sao tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị sử dụng ngân sách; ứng dựng công nghệ thông tin để đẩy nhanh quá trình thanh toán vốn đầu tư công…".

Thúc đẩy giải ngân đầu tư công tạo động lực lớn cho tăng trưởng kinh tế - Ảnh 3.

Ngay từ đầu năm, Thủ tướng đã ban hành nhiều quyết định, chỉ thị để đôn đốc, thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Ảnh minh họa.

Mới đây, tại thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước về các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh các nhiệm vụ, công việc trọng tâm cần quyết liệt thực hiện trong thời gian tới đó là tập trung nguồn lực, tranh thủ thời tiết thuận lợi để thi công 3 ca 4 kíp.

Các công tác quan trọng khác như giải phóng mặt bằng, cấp mỏ vật liệu xây dựng cũng phải được tiến hành một cách rốt ráo, bám sát kế hoạch và kiên quyết không được chậm tiến độ. Theo các chuyên gia, nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công sẽ không chỉ là trách nhiệm của một đơn vị mà sẽ là tổng hợp của các Bộ, ngành, địa phương, mới có thể đạt mục tiêu quyết tâm giải ngân ít nhất 95% vốn đầu tư công của năm nay.

Ngân sách đầu tư công năm nay ước tính chiếm khoảng 7,1% GDP, so với mức 5,5% GDP vào năm ngoái. Theo chuyên gia, việc thực hiện hiệu quả đầu tư công sẽ hỗ trợ tổng cầu, qua đó tạo việc làm và kích thích tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước