Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh hướng đến phát triển bền vững

Phùng Anh - Dương Duy - Nguyễn Diệp-Thứ tư, ngày 13/11/2024 16:43 GMT+7

VTV.vn - Áp dụng kinh tế tuần hoàn đang là một xu hướng mạnh mẽ trên thế giới mang lại nhiều lợi ích, tạo cơ hội tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và giảm tác động môi trường.

Theo ước tính của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), đến năm 2030 nếu tiếp tục phát triển với mô hình kinh tế tuyến tính (tức là dựa trên quá trình khai thác, sản xuất, tiêu dùng và cuối cùng thải loại ra môi trường), nhu cầu sử dụng tài nguyên của thế giới sẽ tăng gấp 3 lần so với hiện nay, vượt ngoài khả năng cung ứng của trái đất, lượng chất thải sẽ vượt giới hạn sức chịu tải của môi trường. Thực tế đó dẫn đến yêu cầu cấp bách phải tìm ra mô hình kinh tế hiệu quả, bền vững hơn về sử dụng tài nguyên, giảm ô nhiễm, suy thoái môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế hướng đến việc sử dụng tài nguyên theo cách bền vững bằng việc tái sử dụng, tái chế và kéo dài vòng đời sản phẩm. Theo đó, thay vì mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống, kinh tế tuần hoàn xoay quanh việc giảm thiểu chất thải, tận dụng tối đa giá trị từ các sản phẩm và nguyên liệu. Áp dụng kinh tế tuần hoàn đang là một xu hướng mạnh mẽ trên thế giới bởi nhiều lợi ích cả về kinh tế, môi trường và xã hội mang lại như: Tạo ra cơ hội tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và giảm tác động môi trường.

Trên thế giới, nhiều nước đã thực hiện thành công kinh tế tuần hoàn. Một số quốc gia đã ban hành các đạo luật và luật nhằm thiết lập nguyên tắc tái chế của nền kinh tế tuần hoàn. Trong đó, Đức là nước đi đầu trong lĩnh vực này khi bắt đầu thực hiện kinh tế tuần hoàn vào năm 1996 với việc ban hành "Đạo luật quản lý chất thải và chu trình kín’. Luật cung cấp một khung khổ pháp lý cho việc thực hiện quản lý chất thải theo chu trình khép kín và đảm bảo khả năng xử lý chất thải tương thích với môi trường và khả năng đồng hóa chất thải. Ở châu Á, năm 2000, Chính phủ Nhật đã xây dựng một khung pháp lý toàn diện hướng tới một xã hội dựa trên tái chế với việc ban hành "Luật Cơ bản để thiết lập một xã hội dựa trên tái chế" có hiệu lực từ năm 2002. Luật cung cấp những mục tiêu định lượng cho việc tái chế và phi vật chất hóa lâu dài của xã hội Nhật Bản.

Trung Quốc cũng đang nỗ lực thực hiện kinh tế tuần hoàn trên quy mô lớn. Khác với Nhật Bản, Chính phủ Trung Quốc nhằm duy trì khả năng cạnh tranh, ban đầu dự định áp dụng khung kinh tế tuần hoàn ở quy mô nhỏ hơn thông qua một số cơ chế thử nghiệm để có cơ sở tốt hơn nhằm đánh giá ở quy mô lớn hơn, cuối cùng là áp dụng cho toàn bộ nền kinh tế trong dài hạn. Ở Đông Nam Á, Thái Lan đang thúc đẩy mô hình kinh tế Sinh học - Xanh - Tuần hoàn (BCG) khuyến khích áp dụng các kỹ thuật tiên tiến giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm mà không hoặc chỉ có tác động tối thiểu tới môi trường. Với mục tiêu đạt được mức độ trung hòa khí thải carbon vào năm 2050, Thái Lan đang nỗ lực hành động để giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính bằng cách áp dụng mô hình BCG và coi đây một con đường hướng tới phát triển kinh tế xanh, bền vững.

Còn tại Việt Nam, việc ứng dụng kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển bền vững, với tăng trưởng xanh đang được quan tâm, đề cập nhiều hơn trong những năm gần đây. Đặc biệt, nội dung về xây dựng kinh tế tuần hoàn được Đại hội XIII của Đảng xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là chủ trương lớn và nhất quán của Đảng và Nhà nước. Trong khi đó, tài chính xanh được xem là một phương thức quan trọng để hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững. Để phát triển thị trường tài chính xanh, cần phát triển song hành cả thị trường vốn xanh và thị trường tín dụng xanh. Bên cạnh nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước, các nguồn vốn vay, hỗ trợ từ các nước, hay các định chế, tổ chức tài chính quốc tế, để phát triển thị trường tài chính xanh, Việt Nam cần phát triển song hành cả thị trường vốn xanh và thị trường tín dụng xanh.

Tài chính xanh được xem là một phương thức quan trọng mà các nước trên thế giới và Việt Nam đều chú trọng để hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững.

Theo ước tính, Việt Nam cần nguồn lực rất lớn, khoảng 368 tỷ USD cho cả giai đoạn đến 2040, tương đương 20 tỷ USD mỗi năm. Điều này đòi hỏi phải có các cơ chế, chính sách và giải pháp huy động nguồn vốn trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển thị trường tài chính xanh, khuyến khích dòng vốn tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực xanh…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước