Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2024. Một trong số 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nêu trong Nghị quyết là cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả để đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.
Để triển khai hiệu quả giải pháp này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã giao toàn bộ hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại ngay từ đầu năm mới, thay vì chia ra làm 2 - 3 đợt như các năm trước. Điều này giúp các tổ chức tín dụng có sự chủ động và đơn giản hóa thủ tục cho vay, qua đó giúp các doanh nghiệp và người dân tiếp vận vốn dễ dàng hơn.
Cần thêm 6 tỷ đồng để gối đầu cho 2 dự án vừa được ký kết, doanh nghiệp chuyên cung cấp các giải pháp tự động hóa cho các nhà máy xí nghiệp đã được ngân hàng xem xét và giải ngân hoàn toàn trực tuyến.
"Quá trình up hồ sơ chỉ mất 5 - 10 phút. Họ trả lời luôn là hồ sơ của mình đúng hay thiếu sót gì thì nhân viên trực tiếp nhắn tin, gọi điện bổ sung giấy tờ, nhiều khi chỉ trong 1 - 2 tiếng là món vay đã được giải ngân", bà Trần Diệu Nhân, Kế toán trưởng Công ty TNHH Sinh Dương, cho biết.
Với mục tiêu năm 2024 tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, ước tính sẽ có khoảng 2 triệu tỷ đồng vốn được bơm thêm ra nền kinh tế trong năm nay. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Hạn mức tín dụng được phân bổ sớm đã giúp ngân hàng MSB có thể quyết định ngay việc dành hơn một nửa tổng hạn mức tín dụng của rmình để cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay. Để hoàn thành kế hoạch này, nhiều món vay thậm chí có thể không cần tài sản thế chấp nếu doanh nghiệp cho thấy dòng tiền thông qua các đơn hàng của mình.
"Hạn mức lên đến 15 tỷ, khách hàng chỉ cần gửi đề xuất thông qua mạng Internet hoặc các mobile app mà ngân hàng cung cấp cho khách hàng và thời gian phê duyệt có thể tối thiểu chỉ 5 phút", ông Nguyễn Phi Hùng, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Ngân hàng MSB, cho hay.
Ngân hàng Agribank được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng gần gấp đôi so với năm ngoái, tương đương khoảng 175.000.tỷ đồng nên việc phân bổ vào các lĩnh vực có tính chất mùa vụ dịp Tết Nguyên đán và quý I đã ngay lập tức được triển khai.
Thay vì sau 6 tháng chờ đợi, xin thêm và điều chỉnh như trước đây, hiện các ngân hàng đã có được kế hoạch cả năm để phân bổ cho vay nhóm khách hàng mục tiêu và các ngành theo mùa vụ.
Được phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn trung bình toàn ngành ngay từ đầu năm, ngân hàng LPBank dự kiến giải ngân khoảng 40% trong 6 tháng đầu năm và 60% còn lại sẽ tập trung cho nửa cuối năm.
Để có được lượng vốn cho vay theo kế hoạch tăng trưởng tín dụng cả năm, các kịch bản huy động nguồn vốn từ ngắn hạn đến dài hạn cũng được các ngân hàng chủ động.
"Chủ động được nguồn vốn để đáp yêu cầu về an toàn vốn của Ngân hàng Nhà nước, kỳ hạn và số lượng đáp ứng các nhu cầu tín dụng ngắn, trung và dài hạn", bà Nguyễn Ánh Vân, Phó Tổng Giám đốc LPBank, thông tin.
Với mục tiêu năm 2024 tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, ước tính sẽ có khoảng 2 triệu tỷ đồng vốn được bơm thêm ra nền kinh tế trong năm nay.
Huy động mọi nguồn lực cho tăng trưởng
Tăng trưởng tín dụng toàn ngành trong năm nay là 15%, nhưng sẽ không cào bằng, mà tùy thuộc vào xếp hạng của ngân hàng đó theo một số tiêu chí như: các hệ số an toàn rủi ro; hệ số thanh khoản, cơ cấu nguồn vốn hay tỷ trọng cho vay vào các lĩnh vực. Trong đó, đáng chú ý là những lĩnh vực tăng trưởng xanh và bền vững trong năm nay sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ với lãi suất ưu đãi hơn từ các ngân hàng.
Bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh đã chính thức có hiệu lực, qua đó giúp các ngân hàng và doanh nghiệp có cơ hội để tiếp cận được dòng vốn xanh với lãi suất ưu đã, nhất là trong bối cảnh Việt Nam có thể đón nhận dòng vốn 15,5 tỷ USD từ thỏa thuận JETP liên quan đến tăng trưởng xanh và bền vững.
"Tín dụng được chủ động bởi các ngân hàng trong nước, các nhà đầu tư phát triển các nguồn năng lượng sạch và bền vững sẽ thấy tự tin hơn, từ đó có các nguồn vốn xanh, phù hợp, ưu đãi, giúp họ cùng Việt Nam chung tay phát triển các dự án năng lượng xanh và bền vững", ông Lê Anh Tú, Giám đốc Dịch vụ tư vấn doanh nghiệp, Công ty PwC (Việt Nam), đánh giá.
Hiện nay, mặt bằng lãi suất huy động đang ở mức thấp nhất trong lịch sử, là cơ sở cho việc lãi suất cho vay tiếp tục giảm, tránh tính trạng tăng trưởng dồn dập vào một nhóm khách hàng hay cùng một thời điểm.
"Chúng ta nên phân bổ đều, tăng trưởng đều các tháng các quý sẽ đảm bảo tốc độ tăng trưởng đều, không gây ra các cú sốc tại các thời điểm nhạy cảm", ông Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia, nhận định.
Năm 2023, dòng vốn tín dụng chiếm khoảng một nửa trong tổng lượng vốn cung ứng cho nền kinh tế, vì vậy để huy động tối đa các nguồn lực cho tăng trưởng, cần tăng cường vai trò của các kênh dẫn vốn khác.
Năm 2023, giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành mới là gần 300.000 tỷ đồng, vốn FDI giải ngân đạt kỷ lục gần 23,2 tỷ USD và vốn đầu tư công thực hiện ước đạt trên 675.000 tỷ đồng. Các nguồn lực này cộng với vốn tín dụng ngân hàng được cho vay kịp thời đã giúp Việt Nam có được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng bình quân trên toàn cầu.
Linh hoạt điều hành tăng trưởng tín dụng VTV.vn - Ngân hàng Nhà nước vừa thông báo đã giao toàn bộ hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại ngay từ đầu năm mới, thay vì chia ra làm 2 - 3 đợt như trước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!