Theo thống kê của Bộ Thương mại Mỹ, 5 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Mỹ đạt 46,5 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đạt 43,5 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước.
Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, vì vậy, việc suy giảm này tác động không nhỏ đến sản xuất, việc làm của các doanh nghiệp trong nước. Nhưng nhiều yếu tố mới cũng xuất hiện, cho thấy hoạt động xuất nhập khẩu có cơ hội tăng trưởng trở lại.
Đầu năm nay, có thêm hàng thuỷ sản tươi sống như ốc hương, cua Cà Mau, tôm hùm xanh, được một doanh nghiệp tại Khánh Hoà xuất khẩu sang bờ Đông nước Mỹ, ban đầu là 2 tấn mỗi tháng, giờ tăng lên 8 tấn một tháng. Nhà nhập khẩu phía Mỹ cho biết, duy trì chất lượng, doanh số sẽ tiếp tục tăng lên.
Ông Scoot Anh Duong, Chủ tịch Công ty Thương mại SK Green Garden, Mỹ, nói: "Khi chất lượng mà có khách hàng mua nhiều thì chính chủ chợ, chính những doanh nghiệp mua hàng của mình sẽ đưa tiền cho mình để mình làm sản phẩm, chứ không còn truyền thống là đưa thành phẩm rồi mới lấy tiền. Cái đó là cuộc chơi, mà cuộc chơi là chất lượng, là đánh giá cuộc chơi như thế nào, còn không có đủ hàng thì nói với khách hàng là hàng không đủ chứ không pha trộn những hàng khác vào và bán giá thấp hơn".
Hải sản tươi sống có cơ hội nhưng hải sản đông lạnh, bao gồm tôm, cá tra, cá ngừ lại chứng kiến sự suy giảm xuất khẩu vào thị trường Mỹ. 5 tháng đầu năm nay, Việt Nam vẫn là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ, nhưng nhiều mặt hàng chủ lực, đều giảm như may mặc, quần áo, giầy dép, đồ gỗ nội thất. Có những mặt hàng giảm 30%, đồng thời, các tranh chấp thương mại cũng gia tăng.
Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mỹ, nói: "Đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam phối hợp hết sức chặt chẽ với cơ quan hữu quan của Việt Nam và Hoa Kỳ để giải quyết triệt để các vấn đề trong quan hệ thương mại song phương, đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra của Hoa Kỳ trong việc giải trình, cung cấp thông tin để bạn có thể hiểu rõ hơn hay có những thông tin rõ ràng về các cơ cấu cũng như thông tin rõ ràng về các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, thứ hai là tiếp tục phối hợp để nghiên cứu thông tin tới các hiệp hội ngành hàng khuyến khích doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu Việt Nam chuyển hướng theo hướng tiếp cận với kinh tế tuần hoàn, kinh tế sạch".
Thống kê chính thức cho thấy, tăng trưởng GDP của Mỹ, quý 1, đạt 2%, so với số liệu trước đây là 1,3%, số người thất nghiệp giảm, niềm tin của người tiêu dùng vào thị trường gia tăng, điều này cho thấy sức mua của thị trường Mỹ 6 tháng cuối năm sẽ hồi phục. Thêm vào đó, 6 trong số 10 mặt hàng xuất khẩu lớn nhất mà Việt Nam có thế mạnh, đạt tỷ trọng từ 10 đến gần 30% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ. Điều này cho thấy, về dài hạn, Việt Nam tiếp tục là đối tác trong chính sách dịch chuyển chuỗi cung ứng trên toàn cầu của Mỹ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!