Giảm lãi vay xuống còn khoảng 7%, cho người chăn nuôi trả chậm, thậm chí còn giải ngân thêm những khoản vay mới là biện pháp mà hai ngân hàng Nông nghiệp và Kiên Long vừa triển khai để hỗ trợ người chăn nuôi tại khu vực Đồng Nai.
Cũng trong cuộc họp báo Chính phủ chiều 04/5, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẳng định, một trong những giải pháp quan trọng để giải cứu thịt heo hiện nay là thông qua hệ thống chuỗi. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, tiêu thụ thịt theo chuỗi là xu hướng tất yếu, nhưng nếu lấy đó là giải pháp để giải cứu hàng trăm nghìn tấn heo tồn đọng hiện nay, cần phải xem lại. Bởi vì, ngay như Hà Nội, mất nhiều năm xây dựng chuỗi, nhưng đến nay, tiêu thụ thịt theo chuỗi chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ.
Một đơn vị có mô hình chuỗi khép kín nhất của Hà Nội, tự chế biến thức ăn, tự sản xuất con giống, bỏ ra cả chục tỷ đồng xây khu chăn nuôi, đến hệ thống giết mổ và có cả cửa hàng phân phối thịt riêng. Thế nhưng mỗi tháng, lượng thịt tiêu thụ theo chuỗi chỉ được vài tạ, chỉ vì giá thành quá cao.
Hà Nội đã mất gần 10 năm để phát triển chuỗi thiêu thụ thịt lợn, nhưng mới xây dựng được 21 chuỗi với quy mô nhỏ. Trong khi mới dừng lại ở khâu chăn nuôi, còn các khâu khác như chế biến, bảo quản và phân phối lại chưa được đầu tư. Điều này cũng dễ hiểu vì sao, lượng thịt lợn tiêu thụ qua chuỗi chiếm chưa tới 10%, trong tổng số 800 tấn thịt thành phố thiêu thụ mỗi ngày.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!