Thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá: Tăng thuế để thay đổi hành vi người hút thuốc

Thuỳ An-Thứ sáu, ngày 18/10/2024 21:16 GMT+7

VTV.vn - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng thuế là biện pháp hữu hiệu nhất để giảm tỷ lệ người hút thuốc trong thời gian tới.

Thuế là giải pháp hữu hiệu nhất

Phát biểu tại tọa đàm "Phương án thuế tiêu thụ đặc biệt hướng tới mục tiêu Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030", Th.S. B.s Nguyễn Tuấn Lâm, cán bộ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) một lần nữa nhấn mạnh tác hại của thuốc lá tới sức khoẻ.

Theo ông Lâm, thành phần của khói thuốc có đến 7.000 chất hóa học, trong đó có đến 69 chất gây ung thư. Người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư họng, phổi… cũng nhiều bệnh mạn tính như đột quỵ, bệnh mạch vành…

Đại diện WHO nhấn mạnh, bên cạnh việc cảnh báo về tác hại của thuốc lá; tăng cường cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá… thì tăng thuế được xem là biện pháp hiệu quả nhất để giảm thiểu thuốc lá. Ông Lâm cho biết, kinh nghiệm quốc tế cho thấy biện pháp tăng thuế chiếm 60% tác động để giảm sử dụng thuốc lá.

"Thời gian qua, thuế với thuốc lá tăng quá ít. Theo tính toán, thuế chỉ mới chiếm được 15-20% tác động giảm số người hút thuốc. Trong khi các biện pháp khác như cấm quảng cáo, cảnh báo, truyền thông… đã làm và gần như tương đối "bão hoà", không còn hiệu quả nhiều. Biện pháp thuế là hiệu quả nhất để giảm thiểu thuốc lá trong thời gian tới", Th.S. B.s Nguyễn Tuấn Lâm nhấn mạnh.

Thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá: Tăng thuế để thay đổi hành vi người hút thuốc - Ảnh 1.

TH.S Lê Thị Thu cho biết nếu giá thuốc lá tăng 10% sẽ giúp giảm tiêu thụ 4% ở các nước thu nhập cao và giảm 5% ở các nước thu nhập thấp hoặc trung bình

Cùng quan điểm với ông Lâm, dẫn số liệu của WHO, TH.S Lê Thị Thu tại Tổ chức Chiến dịch vì trẻ em không thuốc lá tại Việt Nam cho biết, nếu giá thuốc lá tăng 10% sẽ giúp giảm tiêu thụ 4% ở các nước thu nhập cao và giảm 5% ở các nước thu nhập thấp hoặc trung bình. Dẫn số liệu một khảo sát khác, bà Thu thông tin, "tốn kém" là một trong những lý do chính dẫn đến việc bỏ thuốc lá ở những người đã và đang hút thuốc có ý định bỏ thuốc.

"Thuế thuốc lá Việt Nam hiện tính theo phần trăm giá bán lẻ ở mức rất thấp 36%. Việt Nam có giá thuốc lá thấp so với các quốc gia Châu Á Thái Bình Dương và thứ 157/161 các quốc gia trên thế giới. Chính sách thuế hiện nay chưa đủ mạnh để kiểm soát người tiêu dùng", bà Thu nhấn mạnh.

Thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá: Tăng thuế để thay đổi hành vi người hút thuốc - Ảnh 2.

TS. Angela Pratt, trưởng đại diện WHO tại Việt Nam

Phát biểu tại tọa đàm, TS. Angela Pratt, trưởng đại diện WHO cho rằng Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ ban đầu đáng khích lệ trong cuộc chiến phòng chống tác hại của thuốc lá trong thập kỷ qua. "Tuy nhiên, chúng ta cần hành động mạnh mẽ hơn - thông qua việc tăng thuế cao hơn - để đạt được các mục tiêu của Chính phủ về giảm hút thuốc và biện pháp này sẽ giúp bảo vệ sức khỏe, cứu nhiều mạng sống.

Áp dụng thuế thuốc lá cao hơn sẽ bảo vệ nguồn lực quý giá nhất của Việt Nam, sức khỏe của người dân và qua đó sẽ giúp hiện thực hóa khát vọng của quốc gia về một tương lai khỏe mạnh và thịnh vượng hơn", bà Angela Pratt nói.

Nên tăng thuế thế nào?

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) dự kiến được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, khai mạc vào ngày 21/10 tới.

Trong đó, Bộ Tài chính đề nghị tăng thuế suất với mặt hàng thuốc lá để góp phần điều tiết tiêu dùng và thực hiện cam kết quốc tế. Cụ thể, mặt hàng thuốc lá sẽ giữ nguyên thuế suất 75% và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình từng năm trong giai đoạn từ 2026 - 2030 với 2 phương án.

- Phương án 1 sẽ bổ sung 2.000 đồng/bao thuốc ở năm đầu tiên và tăng tịnh tiến 2.000 đồng/bao trong các năm kế tiếp để đạt mức 10.000 đồng vào năm 2030.

- Phương án 2 áp dụng mức tăng 5.000 đồng/bao ngay từ năm 2026 và tăng tịnh tiến 1.000 đồng/bao trong 3 năm kế tiếp và 2.000 đồng/bao năm 2030 để đạt mức 10.000 đồng/bao năm 2030.

Đánh giá về đề xuất tăng thuế với thuốc lá của Bộ Tài chính, TS. Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), Trưởng ban Tư vấn, phản biện và giám định xã hội thuộc Tổng hội Y học Việt Nam đánh giá dự thảo về áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá có những điểm rất tiến bộ.

Trong đó vừa đánh thuế tương đối trên cơ sở giá bán của nhà sản xuất (thuốc lá sản xuất trong nước) hoặc nhà nhập khẩu (thuốc nhập khẩu) là 75%. Cùng với đó là áp dụng mức thuế tuyệt đối cho mỗi bao thuốc lên đến 10.000 đồng đến năm 2030.

Thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá: Tăng thuế để thay đổi hành vi người hút thuốc - Ảnh 4.

TS. Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế)

Theo ông Quang, Bộ Y tế đề xuất mức thuế này là 15.000 đồng. Có như vậy mới đạt được mục tiêu đến năm 2030, giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36 %

"Tăng thuế vẫn là giải pháp hữu hiệu nhất để đạt mục tiêu kép để giảm bệnh tật và tử vong, đồng thời giúp tăng thu ngân sách", ông Quang nhấn mạnh.

Nêu quan điểm về tăng thuế với thuốc lá, GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách nhấn mạnh, mục tiêu của thuế là phải thay đổi hành vi. Do đó, ông Cường cho biết không đồng tình kiểu đánh thuế "đều đều", thay vào phải tăng "sốc". Tăng "sốc" để người hút thuốc phải cân nhắc khi mua thuốc lá.

"Có thể tăng thuế luôn 5.000 đồng/bao. Sau mỗi khoảng thời gian tăng tiếp 5.000/bao", ông Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.

Thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá: Tăng thuế để thay đổi hành vi người hút thuốc - Ảnh 5.

GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách

Ông Cường cũng cho rằng, ngoài thuế cần phải có những giải pháp đồng bộ khác để giảm người hút thuốc lá.

"Tôi đi nhiều nước nhưng chưa thấy đâu mua thuốc dễ như Việt Nam, chỗ nào cũng có thể mua thuốc lá. Tôi nghĩ cần có những biện pháp mạnh hơn, cứng rắn hơn, mạnh hơn. Bên cạnh tăng thuế là kèm theo những điều kiện kiểm soát khi mua thuốc lá. Trong đó, tuyên truyền vận động vẫn là giải pháp quan trọng", GS.TS Hoàng Văn Cường cho biết.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước