Đồng Yen thấp kỷ lục trong tháng 7 đã khiến giá trị các mặt hàng nhập khẩu từ nước ngoài tăng lên, nhất là mặt hàng dược phẩm và thiết bị di động. Trong khi đó, xuất khẩu ô tô - mặt hàng chủ lực của Nhật Bản, tiếp tục gặp khó khăn do bê bối gian lận trong thử nghiệm xe.
Theo báo Mainichi, theo số liệu được Bộ Tài chính Nhật Bản công bố cho thấy, cán cân thương mại (xuất khẩu trừ nhập khẩu) đã thâm hụt ở mức 621,8 tỷ Yen (4,3 tỷ USD). Đây là lần đầu tiên sau hai tháng Nhật Bản rơi vào nhập siêu. Nhập khẩu đã tăng 16,6% so với tháng cùng kỳ năm ngoái lên mức 10.200 tỷ Yen (70 tỷ USD). Đây là tháng tăng thứ tư liên tiếp.
Theo báo Nikkei, cả giá trị xuất khẩu và nhập khẩu của tháng 7 đều cao nhất kể từ năm 1979. Giá trị xuất khẩu trong tháng này cũng tăng 10% lên 9.600 tỷ Yen (66 tỷ USD). Đây là tháng tăng thứ 8 liên tiếp. Giá trị xuất khẩu theo mặt hàng, chất bán dẫn và linh kiện điện tử tăng mạnh nhất. Tờ báo này cũng chỉ ra rằng, nếu xét về khối lượng xuất khẩu giảm 5,2%, nhưng do đồng Yen yếu đã đẩy giá trị xuất khẩu tăng lên.
Quang cảnh cảng container Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo hãng thông tấn Jiji phân tích, tỷ giá trung bình của đồng Yen trong tháng 7 là 159,77 Yen đổi 1 USD, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới giá trị xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng. Tờ báo này cũng chỉ ra rằng, nền kinh tế lớn thứ tư thế giới này đã thâm hụt thương mại trong 6 kỳ nửa năm tài chính liên tiếp, bắt đầu từ nửa cuối năm 2021. Năm tài chính của Nhật Bản kéo dài từ tháng 4 năm trước đến tháng 3 năm sau.
Theo các nhà phân tích, xuất khẩu của Nhật Bản tăng tháng thứ 8 liên tiếp cho thấy kinh tế nước này đang trên đà phục hồi. Bên cạnh đó xu hướng tăng lương gần đây đã thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng cá nhân trong nước - vốn đóng góp khoảng một nửa GDP của nước này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!