Nếu như trước đây cần phải mất từ 1 - 2 ngày, khách hàng mua hàng online mới nhận được hàng của mình, nhưng giờ đây với sự bùng nổ mạnh mẽ của các dịch vụ giao hàng nhanh, thời gian giao hàng và nhận hàng được rút ngắn một cách tối đa.
Là khâu then chốt trong quy trình bán hàng nên khi thương mại điện tử bùng nổ, các dịch vụ giao nhận cũng rầm rộ ra đời. Năm 2013 chỉ có vài công ty, đến nay thị trường đã có gần 60 cái tên khác nhau, quy mô cũng ngày một lớn hơn.
Công ty khởi nghiệp Supership, mới 2 năm thành lập nhưng doanh thu mỗi tháng lên tới cả tỷ đồng, trung bình mỗi năm giao khoảng 50.000 đơn hàng.
Không chỉ các shop online trong nội thành, mảng giao nhận cho các doanh nghiệp và sàn thương mại điện tử cũng đang rất sôi động. Giaohangnhanh, sau 5 năm hoạt động đã trở thành đơn vị giao nhận cho thương mại điện tử lớn thứ 3 cả nước, với tốc độ tăng trưởng hơn 150% mỗi năm, đạt 6 triệu đơn hàng trong năm 2016.
Dự báo, đến năm 2022, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ cán mốc 10 tỷ USD. Đồng nghĩa, cơ hội cho ngành dịch vụ giao nhận thương mại điện tử sẽ ngày càng mở rộng. Vận chuyển hàng hóa cồng kềnh, hàng cao cấp, hàng giao gấp đang là những ngách còn bỏ ngỏ cho những doanh nghiệp đến sau.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!