Thủy sản cho thị trường trong nước - Không dễ khai thác

TCKD-Thứ tư, ngày 17/04/2013 13:55 GMT+7

Ảnh minh hoạ

 Khi xuất khẩu thuỷ sản gặp khó khăn không thể bỏ qua tiềm năng của thị trường trong nước. Tuy nhiên để khai thác những lợi thế này sao cho hiệu quả lại không hề dễ dàng.

Từ năm 2012 đến nay hiếm khi tôm hùm được giá, thậm chí có thời điểm tôm hùm chỉ còn 800.000 đồng/kg nghĩa là chỉ bằng 1/3 mức giá ở đỉnh điểm. Giá tôm hùm giảm sút do xuất phát từ thị trường bởi gần như toàn bộ tôm hùm được xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch không ổn định.

Đối với mặt hàng cá ngừ đại dương tình hình cũng không sáng sủa. Hơn 40 đầu mối tiêu thụ cá ngừ ở các tỉnh Nam Trung Bộ đều đưa ra giá thu mua thấp xuống mức khó tin, 1kg cá ngừ đại dương chỉ khoảng 50.000 đồng. Lý do các chủ vựa này đưa ra là thị trường xuât khẩu gặp khó khăn.

Trong khi đó, khai thác, nuôi trồng thuỷ sản ở các tỉnh Nam Trung Bộ trong nhiều năm qua đều hướng đến thị trường xuất khẩu. Sự lựa chọn này là hợp lý bởi nếu không xuất khẩu khó tiêu thụ hết sản lượng thuỷ sản được nuôi trồng, khai thác ở vùng biển được xem có lợi thế này.

TS. Nguyễn Hữu Dũng, Trường Đại học Nha Trang cho biết: “Nếu chú ý thị trường trong nước hệ thống phân phối tốt nhất là có thể kí kết hợp đồng với các siêu thị mới có đầu ra ổn định. Hiện nay, do quy mô nuôi nhỏ lẻ nên những người khai thác cho nguồn hàng siêu thị họ cũng không dám ký kết hợp đồng vì họ không biết chất lượng và không có cơ chế để đảm bảo chất lượng”.

Ngay cả những người nuôi thuỷ sản đa phần chỉ lựa chọn các đối tượng nuôi hướng đến xuất khẩu. Đến năm nay sau khi có xuất bán tôm hùm, những nông dân ở Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà mới chuyển sang nuôi cá bớp, loại cá bớp này tiêu thụ ở thị trường trong nước người nuôi có thể bán thường xuyên.

Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản đã đưa ra dự báo, nhu cầu tiêu thụ thuỷ sản nội địa sẽ tăng từ 30 – 40% trong vòng 10 năm tới. Mức tiêu thụ thuỷ sản trong nước năm 2015 được dự báo là 790.000 tấn. Như vậy, thị trường tiêu thụ thuỷ sản trong nước là có tiềm năng nhưng để chiếm lĩnh thị trường trong nước theo hướng nâng được giá trị mặt hàng thuỷ sản ngay tại các chợ nội địa đòi hỏi cả một chuỗi quy trình từ quy hoạch, xây dựng mặt hàng thuỷ sản và cả chiến lược thị trường.

TS. Nguyễn Hữu Dũng cho biết thêm: “Để giải quyết vấn đề thị trường trong nước cần có sự hợp tác, liên kết của các hộ nuôi. Chính quyền địa phương với các cơ quan quản lý ngành như những người xâu đầu mối để trên cơ sở đó kết hợp với các nhà khoa học hỗ trợ các hộ nuôi để đi đến thành công”.

Một trở ngại lâu nay khiến cho nhiều doanh nghiệp thuỷ sản chưa mặn mà với thị trường trong nước đó là giá bán trong nước thường thấp hơn giá xuất khẩu, chi phí tiếp cận thị trường cao.

Tuy vậy, các chuyên gia thuỷ sản cho rằng nếu tổ chức thị trường trong nước với hệ thống phân phối đủ mạnh thì khi đó thị trường trong nước là chỗ đỡ cho ngành thuỷ sản trong trường hợp thị trường xuất khẩu gặp khó khăn.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước