Chỉ trong vòng 1 tháng qua, một nhà đầu tư tiền số, như vào Bitcoin - loại tiền có tiếng nhất hiện nay, có thể để mất gần 30% giá trị tài sản đầu tư của mình. Lúc tăng giá thì tăng chóng mặt, khi bị bán tháo cũng vô định. Nhiều chuyên gia tư vấn đầu tư tại Mỹ cũng thay đổi quan điểm về kênh đầu tư này.
Trang CNBC cho biết, dù Bitcoin đang có sự hồi phục, nhưng nó vẫn ở mức giá thấp hơn 70% so với thời đạt đỉnh vào tháng 11/2021. Một số người cho rằng đà giảm này có thể kết thúc, nhưng với nhiều thông tin kinh tế không chắc chắn vẫn còn, Bitcoin có khả năng giảm tiếp.
CNN viết: "Cả ngành tiền số chao đảo khi Bitcoin đang cố giữ neo ở mức giá quan trọng. Trong khi các nhà đầu tư lo ngại vấn đề của các bên tham gia thị trường tiền số có thể dẫn tới sự rung lắc lớn, từ chuyện Quỹ phòng hộ tiền điện tử Three Arrows Capital phải chọn bán tài sản và kêu gọi cứu trợ, tới chuyện công ty cho vay tiền điện tử ở châu Á là Babel Finance tuyên bố sẽ tạm ngưng rút tiền".
Theo thống kê, hơn 19.000 loại tiền điện tử khác nhau đang tồn tại. (Ảnh minh họa - Ảnh: istock)
Đó là những lý do chủ quan. Ngoài ra, lý do khách quan là FED tăng lãi suất. Lãi suất cao khiến cho các nhà đầu tư khó vay tiền hơn để đầu tư. Do đó, khi phải cân nhắc các yếu tố như mạo hiểm cao hơn, chi phí lớn hơn so với các kênh đầu tư khác, họ đành rút tiền về.
Trang tin của Đài phát thanh Quốc gia Mỹ cho rằng, những người ủng hộ tiền số vẫn thường tuyên bố rằng loại tiền này là "hàng rào với lạm phát", nhưng thực tế không phải vậy. Khi cổ phiếu của các công ty công nghệ sụt giảm, giá trị của tiền số hay Bitcoin cũng giảm theo.
Eswar Prasad, giáo sư kinh tế của Đại học Cornell bình luận: "Lần này, sự sụt giảm cho thấy tiền số là tài sản tài chính đầu cơ lớn và chịu sự tác động của các áp lực kinh tế vĩ mô, như lãi suất."
Trang Marketwatch gọi đây là giai đoạn mùa đông của tiền số và cũng có thể còn tệ hơn. Bài báo ví tiền điện tử đang trải qua "khoảnh khắc Lehman" như năm 2008 - 2009 trước khi bước vào khủng hoảng. Đó là sự sụt giảm niềm tin được kích hoạt bởi giá tài sản lao dốc, thanh khoản đóng băng và hàng tỷ USD bị xóa sổ trong vài tuần.
Nói về sự phổ biến và niềm tin như một kênh đầu tư, nhà phân tích Madeline Hume của Morningstar bình luận: "Tiền điện tử vẫn là 1 hòn đảo bị ngắt kết nối với các dịch vụ tài chính truyền thống. Điều đó nói lên rằng, một khi bạn đặt chân lên hòn đảo đó, sẽ có vô số rủi ro mang tính hệ thống".
Theo thống kê, hơn 19.000 loại tiền điện tử khác nhau đang tồn tại. Nhiều loại tiền ra đời khi thấy Bitcoin hay một số loại tiền khác tăng giá quá nhanh. Câu hỏi các chuyên gia đầu tư đặt ra lúc này là liệu có cần thiết phải có tới 19.000 loại tiền số? Bởi trong nền kinh tế thực, dựa trên kinh tế thực, thế giới cũng chỉ có 180 loại tiền. Vì vậy, đây có thể là giai đoạn "đào thải" mạnh mẽ của các loại tiền số.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!