Tiết giảm chi phí sản xuất điện

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 13/12/2022 20:52 GMT+7

VTV.vn - Mặc dù đã tiết giảm các khoản chi phí và vận hành hết nguồn phát thủy điện có chi phí thấp, nhưng EVN vẫn không bù đắp được khoản chi phí sản xuất điện tăng cao.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hiện lỗ trên 31.000 tỷ đồng do giá nguyên liệu đầu vào như than, dầu, khí tăng, kéo theo chi phí sản xuất điện tăng cao.

Nhà máy điện của Công ty Nhiệt điện Thái Bình mỗi năm sử dụng trên 1,6 triệu tấn than, trong đó chỉ có 30% là than pha trộn nhập khẩu có giá cao gấp 2 lần than trong nước. Dù tiết giảm nhiều loại chi phí, nhưng nhà máy vẫn bị lỗ vì giá nhiên liệu đầu vào quá cao.

"Chúng tôi phải cố gắng sử dụng nguồn than giá rẻ trong nước, hạn chế dùng than nhập khẩu. Thứ 2 là tiết kiệm sử dụng nước và điện tiêu dùng để góp phần giảm chi phí", ông Trần Trung Học, Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Thái Bình, chia sẻ.

Do chi phí sản xuất và mua điện tăng cao, Bộ Công Thương đã phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm nay của EVN với số lỗ lên tới gần 65.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ áp dụng nhiều giải pháp tiết giảm chi phí nên EVN thực tế chỉ lỗ khoảng 31.000 tỷ đồng.

Tiết giảm chi phí sản xuất điện - Ảnh 1.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hiện lỗ trên 31.000 tỷ đồng do giá nguyên liệu đầu vào tăng kéo theo chi phí sản xuất điện tăng cao. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)

"Tiết kiệm chi phí thường xuyên là 10%, cắt giảm 20 - 30% chi phí sửa chữa lớn, tiết giảm chi phí nhân công và các chi phí khác, tổng chi phí tiết giảm ước tính gần 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, dù đã nỗ lực hết sức, chi phí mua điện tăng đột biến khiến nhưng EVN không thể cân bằng tài chính năm 2022", ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cho biết.

Tuy nhiên, nếu tiếp tục duy trì tình trạng thua lỗ, EVN sẽ không còn nguồn vốn đầu tư hạ tầng để mở rộng các dự án và trợ giá cho sản xuất năng lượng tái tạo.

"Thua lỗ của EVN trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến kết quả xếp hạng tín nhiệm, gây khó khăn cho việc tiếp cận các nguồn vay quốc tế. Hiện muốn huy động đầu tư cho các dự án về điện thì phải vay nước ngoài. Hiện nay chúng ta duy trì giá điện rẻ, không tạo động lực cho doanh nghiệp cũng như hộ gia đình thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả", ông Hoàng Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và Tăng trưởng xanh, nhận định.

Dự báo giá nhiên liệu thế giới sang năm vẫn duy trì ở mặt bằng cao khiến EVN khó cân đối vốn để mua điện, gây ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của các nhà máy điện và việc đảm bảo cung cấp điện ổn định cho sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh.

Chi phí đầu vào sản xuất điện tăng cao Chi phí đầu vào sản xuất điện tăng cao

VTV.vn - Biến động của thị trường năng lượng và biến động tỷ giá đã làm tăng giá điện ở nhiều nước. Thực tế này cũng tạo sức ép tăng chi phí, giá thành sản xuất điện tại Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước