Đặt tour qua Facebook, lên các phần mềm du lịch tìm kiếm và chốt đơn du lịch trên các trang thương mại điện tử là cách chị Uyên (Yên Mỹ, Hưng Yên) hay làm khi quyết định đi du lịch. Không chỉ tiện lợi, cách này cũng giúp chị tiết kiệm trung bình 10% giá tour trên một người. Với gia đình 4 người đi du lịch biển bằng máy bay, con số tiết kiệm là nhiều triệu đồng.
"Mình thấy trên Facebook hay có nhóm chia sẻ kinh nghiệm du lịch, ví dụ đến ngày 6/6, 7/7 hay 8/8, mình hay lên đây để săn deal. Mình thấy trên này hầu như họ có đầy đủ các tour từ trong nước đến nước ngoài, các deal đều được giảm từ 1 - 2 triệu đồng. Mình thấy giá cả rất hợp lý", chị Uyên chia sẻ.
(Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
Chỉ với một chiếc điện thoại di động thông minh, cũng như một chiếc thẻ tín dụng, khách hàng có thể tiết kiệm 2 lần tiền khi đi du lịch, một lần khi đặt tour trên các trang thương mại điện tử, một lần là sẽ được hoàn tiền nếu sử dụng thanh toán bằng thẻ tín dụng. Chính vì sự tiện dụng, an toàn và đặc biệt, khả năng tài chính sẽ được tiết kiệm rất nhiều. Đây là những hình thức phổ biến, được các bạn trẻ yêu thích.
Cashback - hoàn tiền sau khi thanh toán là cách các đại lý du lịch dùng để thu hút thêm khách hàng kích cầu du lịch sau đại dịch.
Hiện khách đặt tour trực tuyến qua các ứng dụng ghi nhận tăng trưởng hai con số trong 5 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ. Trong đó thế hệ trẻ gen Z với thói quen mua hàng trực tuyến chiếm tỷ lệ lớn nhất.
Các đại lý du lịch dự đoán với các chính sách kích cầu du lịch, ưu đãi từ đặt dịch vụ trực tuyến và thanh toán số, mục tiêu đón 5 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 60 triệu khách nội địa là khả thi trong năm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!