Là hộ kinh doanh, ông Nguyễn Văn Tám (thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) phải trả tới 3,5 triệu đồng tiền điện mỗi tháng, tương ứng với hơn 1.000 kW điện. Từ khi đưa vào hoạt động 12 tấm pin năng lượng mặt trời, số tiền điện gia đình ông Tám phải trả chỉ còn một nửa. Với công suất 250 W/tấm pin, ông Tám cho biết, bình quân mỗi tháng hệ thống pin năng lượng mặt trời này có thể cho ra 500 kW điện.
Với tuổi thọ lên đến hơn 30 năm, hiện nhiều gia đình đã lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời. Việc đầu tư ban đầu có thể lên tới 50 - 70 triệu đồng, đây là số tiền lớn với nhiều gia đình. Tuy nhiên, với tiện ích tiết kiệm, hơn nữa có thể tích điện qua hệ thống ắc quy dùng trong trường hợp mất điện, nhiều gia đình giờ đây đã mạnh dạn lắp tấm pin năng lượng mặt trời.
Không dừng lại ở đây, với những hộ đầu tư diện tích tấm pin lớn, việc bán điện cho Nhà nước đã được tính đến. Tại Điện lực tỉnh Phú Yên, từ đầu năm 2018 đến nay, danh sách các hộ có nhu cầu bán điện cho ngành Điện lực tiếp tục tăng lên. Tuy nhiên, công việc của ngành Điện lực tỉnh Phú Yên lúc này mới chỉ là tiếp nhận hồ sơ, nghiệm thu và lắp đặt công tơ đo đếm hai chiều để giao nhận lượng điện dôi dư.
Việc mua lại điện từ các hộ dân là chủ trương lớn của Điện lực Việt Nam góp phần nâng 10% công suất năng lượng tái tạo trong tổng công suất phát điện trên cả nước vào năm 2020, năm 2030 là hơn 21%. Mong mỏi lớn nhất của người dân lúc này là cơ chế thu mua điện được Nhà nước triển khai nhanh chóng, rõ ràng để khuyến khích dân đầu tư, sử dụng điện năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Khi đó, vấn đề môi trường cũng sẽ được giải quyết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!