Một ngày sau khi tiêu chuẩn quốc gia về "thịt mát" được Bộ KH-CN công bố, Bộ NN-PTNN đã tổ chức một buổi trao đổi với báo chí để làm rõ những yêu cầu kỹ thuật, ý nghĩa về bộ tiêu chuẩn này.
Theo bộ tiêu chuẩn, thân thịt lợn ngay sau khi giết mổ trải qua quá trình làm mát, bảo đảm tâm thịt đạt nhiệt độ từ 0 - 4 độ C trong vòng 24h sẽ được gọi là "thịt mát". Thịt sau khi làm mát, pha lọc, đóng gói trong nhiệt độ dưới 7 độ C và vận chuyển, phân phối phải được bảo quản ở nhiệt độ từ 0 - 4 độ C. Ngoài ra, bộ tiêu chuẩn cũng chỉ ra quy định ngặt nghèo từ khâu vận chuyển lợn, chờ giết mổ, sau giết mổ và quá trình pha lọc đóng gói, phân phối.
Nếu chỉ một trong những khâu trên không đúng tiêu chuẩn sẽ không được dán nhãn "thịt mát". Để giám sát, hậu kiểm quy trình sản xuất "thịt mát", Bộ NN-PTNT khẳng định tất cả các khâu đều có cơ quan kiểm soát.
Do sản xuất, phân phối "thịt mát" phải tuân theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt nên kênh phân phối loại thịt này cũng có đặc thù riêng. Hiện hầu hết các siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã có đủ phương tiện làm mát nhưng tại các chợ dân sinh, việc bán thịt mát sẽ gặp khó khăn.
Tiềm năng của thị trường "thịt mát" khá lớn và tiêu chuẩn đã có, tuy nhiên để "thịt mát" trở nên gần gũi với thói quen tiêu dùng của người Việt, cũng như thực sự tác động đột phá đến hệ thống giết mổ, chế biến thịt của Việt Nam, từ cơ quan quản lý đến các doanh nghiệp còn rất nhiều việc phải làm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!