Tín dụng tại TP Hồ Chí Minh: Củng cố xu hướng tăng trưởng

Hoài Linh-Thứ tư, ngày 18/10/2023 06:37 GMT+7

VTV.vn - Tăng trưởng tín dụng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh trong tháng 9 đạt 0,72%.

Dù chậm hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng chung của cả nước, nhưng đây là tháng thứ 2 liên tiếp, giải ngân vốn trên địa bàn đạt mức tăng khá cho thấy nhu cầu vốn trên địa bàn bắt đầu hồi phục.

Sau khi tăng trưởng 0.67% trong tháng 8, tín dụng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đạt mức tăng 0,72% trong tháng 9, đưa quy mô cho vay của các ngân hàng trên địa bàn tăng 4,1% so với cuối năm ngoái, bằng chưa tới 60% tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của cả nền kinh tế.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo 1 số ngân hàng, việc cho vay đang tích cực hơn, với nhiều gói vay ưu đãi, nhiều chính sách hỗ trợ được triển khai.

Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc Ngân hàng ACB, cho biết: "Chúng tôi đẩy mạnh cho vay thế chấp, thí dụ như cho vay tín chấp cũng là điều chúng tôi đẩy mạnh. Ví dụ như xuất khẩu, chúng tôi tài trợ xuất khẩu là tín chấp, đó cũng là vấn đề vừa ưu đãi, vừa thúc đẩy tăng trưởng tín dụng".

Mặt bằng lãi suất đã trở về mức thấp trước COVID-19. Lãi suất huy động 12 tháng cao nhất hiện cũng chỉ còn 6,2%/năm. Dù vẫn cần thời gian để trung hòa giá vốn cho vay, nhưng nhiều ngân hàng đã chủ động đưa lãi suất cho vay khách hàng doanh nghiệp về dưới 5%/năm; khách hàng cá nhân là 7-8%/năm, đồng thời tăng quy mô các gói tín dụng ưu đãi nhằm thu hút khách hàng.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, nhận định: "Tín dụng đã và đang có xu hướng tăng trưởng tích cực, gắn liền với những chuyển biến tích cực của nền kinh tế, đặc biệt là 1 số ngành đã và đang hoạt động tốt như lĩnh vực xuất khẩu, nông thủy sản và công nghiệp chế biến, chế tạo".

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, độ trễ chính sách tiền tệ thường sẽ kéo dài từ 6 tới 18 tháng. Lãi suất trên thị trường bắt đầu đi xuống từ tháng 3 và bắt đầu giảm mạnh từ tháng 6, do đó, cần thêm thời gian để lãi suất thấp có thể thẩm thấu vào thị trường. Lãi suất thấp mới chỉ là 1 yếu tố để thúc đẩy tín dụng.

Ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Đầu tư - Dragon Capital, nói: "Vấn đề lãi suất thấp là vấn đề điều kiện cần. Có điều kiện cần là điều tiên quyết, nhưng vẫn cần điều kiện đủ nữa. Điều kiện đủ là cái lòng tin của doanh nghiệp. Tôi thấy lòng tin bắt đầu tăng thêm. Khi lòng tin tăng lên cộng thêm vào tinh thần lạc quan của doanh nghiệp, lạc quan vào nền kinh tế thì chắc chắn tín dụng có thể chảy ra được.

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cũng đang đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Đến cuối tháng 9, riêng tại TP Hồ Chí Minh đã có gần 30.000 (29.726) khách hàng được cơ cấu nợ, với tổng dư nợ hơn 36.500 tỷ đồng (36.543), chiếm 38% so với cả nước, đẩy mạnh giải ngân chương trình tín dụng ngắn hạn bằng tiền đồng với lãi suất không quá 4% cho 5 lĩnh vực ưu tiên, tổng dư nợ đạt 188.000 tỷ đồng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước