Tín dụng tăng trưởng chậm, chưa bằng 50% so với cùng kỳ

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 17/04/2023 06:05 GMT+7

VTV.vn - Theo số liệu thống kê, tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay đạt trên 2% so với cuối năm 2022, chưa bằng một nửa so với tốc độ tăng trưởng cùng kỳ năm trước là 5,04%.

Tăng trưởng tín dụng thấp là tín hiệu cảnh báo khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế khá chậm, đòi hỏi cần đẩy nhanh các giải pháp hỗ trợ tiếp cận vốn cho doanh nghiệp.

Với lãi suất vay trên 10% một năm, các doanh nghiệp ước tính gần như không thể có lãi trong thời điểm khó khăn hiện nay. Nhiều doanh nghiệp vay vốn ngân hàng để cầm cự hoạt động, nay tìm cách bán bớt tài sản để sớm trả một phần khoản vay, giảm gánh nặng lãi suất; còn nếu có ý định vay mới thì tạm thời trì hoãn.

"Trong thời điểm hiện nay, tốc độ cạnh tranh trên thị trường rất khốc liệt, do vậy mình cố gắng tận dụng nguồn lực từ nội lực", ông Trần Trung Chính, Phó Giám đốc điều hành Công ty Bao bì Việt Đức, cho biết.

Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng chưa đạt 1/5 quãng đường để đạt mục tiêu tăng trưởng 14 - 15% năm nay. Trong khi đó, sản xuất một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm đã khiến dòng vốn ứ đọng trong ngân hàng.

Tín dụng tăng trưởng chậm, chưa bằng 50% so với cùng kỳ - Ảnh 1.

Tăng trưởng tín dụng thấp là tín hiệu cảnh báo khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế khá chậm. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)

"Nhu cầu nhập khẩu của Mỹ, châu Âu, các đối tác lớn hàng đầu của mặt hàng xuất khẩu Việt Nam đều giảm dẫn đến hoạt động sản xuất và bán hàng của các doanh nghiệp Việt Nam cũng bị giảm theo", ông Đào Ngọc Thắng, Giám đốc Khách hàng doanh nghiệp, Khối Thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam, cho biết.

"Tôi đánh giá rất cao định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới là cố gắng làm giảm mặt bằng lãi suất. Cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận vốn, kinh doanh bình thường sẽ được cải thiện", ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đánh giá.

Hiện ngân hàng đòi hỏi ngày càng cao về minh bạch tài chính và vốn đối ứng, trong khi trên 65% số doanh nghiệp cả nước là doanh nghiệp siêu nhỏ, tài sản đảm bảo và phương án kinh doanh rất hạn chế.

Đa số trường hợp khó tiếp cận vốn tín dụng còn rơi vào các doanh nghiệp mới thành lập. Các ngân hàng không có dữ liệu lịch sử hoạt động, không thể thực hiện xếp hạng tín nhiệm khi thẩm định cho vay, hoặc không đáp ứng về tài sản đảm bảo. Do đó các ngân hàng khẳng định sẽ đẩy mạnh chuyển hướng từ thẩm định tài sản bảo đảm sang quản lý dòng tiền để hỗ trợ doanh nghiệp.

Giảm lãi suất để kích cầu tín dụng

Tín dụng tăng chậm, phản ánh mức độ hấp thụ vốn của nền kinh tế. Bởi vậy lúc này, các giải pháp về kích cầu tín dụng cần được thực thi để tiếp sức cho doanh nghiệp. Bên cạnh giải pháp về tài chính, những biện pháp căn cơ hơn như thị trường, đầu ra sản phẩm cũng cần được thực thi song hành.

Sau 2 lần hạ lãi suất liên tiếp trong thời gian gần đây Ngân hàng Nhà nước quyết liệt thực thi, một mặt bằng lãi suất mới thấp hơn, hợp lý hơn, thấp hơn trước đã được tạo lập và chính các ngân hàng thương mại cũng đang chịu sức ép phải đẩy tín dụng ra.

"Họ phải chịu áp lực rất lớn để làm sao đưa thanh khoản hiện nay cho hệ thống ngân hàng, để đưa nguồn vốn đó đến doanh nghiệp. Nếu không họ cũng sẽ gặp khó khăn về lợi nhuận, áp lực về duy trì nguồn vốn quá lớn trong hệ thống ngân hàng của mình", TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Công ty Econimica Vietnam, cho biết.

Lãi suất điều hành giảm liên tiếp đã khiến nhiều nhà băng đã và đang phải triển khai, thúc đẩy nguồn vốn tín dụng của mình.

"Chúng tôi cũng đang tập trung dành gói ưu đãi cho nhóm khách hàng sản xuất kinh doanh, cho hộ doanh nghiệp siêu nhỏ", ông Nguyễn Quang Trung, Phó Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân, PVCombank, cho hay.

Là một doanh nghiệp chuyên về công nghiệp phụ trợ, tức là một trong những đối tượng doanh nghiệp đang được ưu tiên về nguồn vốn, lãi suất, nhưng đơn hàng của doanh nghiệp hiện cũng mới chỉ duy trì được đến tháng 7. Bởi vậy, doanh nghiệp cũng cân nhắc việc vay vốn để đầu tư sản xuất.

"Có đầu ra cho sản phẩm thì doanh nghiệp mới có lợi nhuận để chi trả được lãi vay, lãi gốc. Như vậy nguồn vốn và đầu ra sản phẩm là hai mắt xích quan trọng", ông Đào Anh Văn, Tổng Giám đốc Công ty CNC Vina, chia sẻ.

Tăng sức cầu cho nền kinh tế đang là hướng đi cần thiết để hỗ trợ cho các doanh nghiệp lúc này.

"Thủ tướng đã chỉ đạo về việc đẩy nhanh tiến độ các dự án công trọng điểm. Hiện nay chúng ta kỳ vọng yếu tố này trong thời gian tới sẽ hỗ trợ thêm sức cầu, tổng cầu của nền kinh tế", ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MB (MBS), cho biết.

Giảm lãi suất là giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp, tạo cơ hội nhiều hơn cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, qua đó giảm chi phí giá thành sản phẩm, tạo sức cạnh tranh và sức cầu lớn hơn, nhưng song hành với đó là việc khơi thông đầu ra cho sản phẩm và doanh nghiệp cũng quan trọng không kém.

Giảm lãi suất kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng Giảm lãi suất kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng

VTV.vn - Bắt đầu từ hôm nay (3/4), Ngân hàng Nhà nước chính thức giảm các loại lãi suất điều hành từ 0,3% - 0,5%/năm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước