Tín hiệu "bứt tốc" trong quý 2 từ các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản

Huyền Đào-Thứ năm, ngày 21/04/2022 10:05 GMT+7

VTV.vn - Một số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản tại TP. Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam cho biết họ đã nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu hơn trong quý 2.

Nhiều đơn hàng xuất khẩu vào thị trường Âu, Mỹ

Mặc dù chịu tác động từ dịch COVID-19, biến động thị trường thế giới, nhưng ước tính tháng 3/2022, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 4.585,5 triệu USD, tăng 42,7% so với tháng trước. Riêng xuất khẩu (không tính dầu thô) đạt 4.428,8 triệu USD, tăng 44,7%. Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp cho biết tín hiệu tích cực tiếp tục đến trong quý 2, khi nhu cầu tiêu thụ hàng hóa nông sản tại các thị trường lớn trên thế giới phục hồi.

Trong quý 1 năm 2022, Công ty Cổ phần hàng tiêu dùng Phúc Sinh (TP. Hồ Chí Minh) xuất khẩu được 700 container sản phẩm cà phê, hồ tiêu sang thị trường châu Âu, Mỹ và Bắc Mỹ… Lượng hàng xuất khẩu của công ty đã tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Theo doanh nghiệp, khi dịch bệnh một số nước có dấu hiệu chững lại thì nhu cầu tiêu dùng hàng thực phẩm thiết yếu gia tăng nên doanh nghiệp có cơ hội nhận thêm nhiều đơn hàng hơn. 

Đại diện doanh nghiệp này cũng cho rằng, một số mặt hàng Việt Nam có thế mạnh và phía Mỹ có nhu cầu nhập khẩu để đáp ứng tiêu dùng nội địa là rau, củ, quả, cà phê, chè, hạt tiêu, cao su, hạt điều, thủy sản... Nếu đáp ứng được các rào cản kỹ thuật, xuất khẩu sang các thị trường khó tính trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Các thị trường mới như châu Á, Trung Đông cũng quay trở lại nhập hàng.

Tín hiệu bứt tốc trong quý 2 từ các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản - Ảnh 1.

Một số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thô, nông sản chế biến cho biết đơn hàng đã đầy đến hết quý 2.

Trong khi đó, DhFoods, doanh nghiệp xuất khẩu gia vị Việt Nam vào thị trường các nước châu Âu và châu Mỹ, cũng nhận định dư địa để xuất khẩu gia vị Việt vào những thị trường lớn này trong các năm tới được cho là còn rất nhiều, điều quan trọng là các nhà sản xuất phải nắm bắt thị hiếu của số đông, hiểu được thị trường. Ông Nguyễn Trung Dũng, Chủ tịch kiêm TGĐ DhFoods cho biết, tỷ lệ xuất khẩu của Dh Foods chiếm gần 10% trong tổng doanh thu, ông Dũng kỳ vọng sẽ tăng lên 30% vào năm 2025. 

Tạo điều kiện lưu thông hàng hóa

Theo Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, trong hai tháng đầu năm 2022, nhóm hàng nông sản có giá trị xuất khẩu đạt hơn 695 triệu USD, tăng 63,3% so với cùng kỳ và chiếm 10,1% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Bên cạnh tín hiệu phục hồi từ thị trường nhập khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu cho biết họ đang tích cực mở rộng xuất khẩu sang các thị trường mới như Nhật Bản, Trung Đông và Đông Nam Á,… Tuy nhiên, nhiều đơn vị xuất khẩu nông sản chế biến và nông sản thô cũng mong muốn được hỗ trợ nhiều hơn về chính sách xuất khẩu, thông quan trong bối cảnh hiện nay khi chi phí đầu vào nhiều dịch vụ tăng cao.

Phát biểu mới đây trong buổi gặp gỡ đối thoại với các doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho biết, theo Quyết định 38 thì sắp tới đây sẽ có những trung tâm kiểm tra chuyên ngành như tại Cát Lái. Việc làm thủ tục và thông quan hàng hóa sẽ rất nhanh, cắt giảm được chi phí về logistics, thời gian và đi lại sẽ giúp nhiều cho doanh nghiệp trong việc thông quan hàng hoá.

Các chuyên gia dự báo năm 2022, dịch COVID-19 vẫn tác động đến giao thương hàng hóa trên toàn cầu cho nên các sản phẩm chế biến sâu, đóng hộp... tiếp tục là xu hướng tiêu dùng phổ biến. Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu cần chú trọng vào phân khúc này chiếm lĩnh thị trường, cũng như được tạo thuận lợi trong lưu thông, hàng hóa.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước