Tính pháp lý của chung cư mini?

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 15/09/2023 07:19 GMT+7

VTV.vn - Theo Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cần phải vừa ngăn cản, xem xét, hạn chế mô hình tự phát này.

Cả nước đang hướng về nạn nhân và gia đình của họ trong vụ việc cháy chung cư mini tại Khương Hạ, Thanh Xuân, TP Hà Nội. Trước khi xảy ra vụ việc, đã có nhiều cảnh báo về rủi ro, cũng như tính pháp lý của mô hình căn hộ này. 

"Chung cư mini" bắt đầu nở rộ tại Hà Nội từ năm 2010, tức là cách đây đã hơn chục năm. Lúc đó, nhu cầu nhà ở lớn, nhưng số lượng dự án chung cư còn ít. Với lợi thế căn hộ nhỏ, nằm chủ yếu ở quận trung tâm, giá thành từ 500 - 600 triệu đồng/căn đã nhanh chóng thu hút người mua và trở thành một sản phẩm bán rất chạy trên thị trường bất động sản lúc đó. Vì sự phát triển của thị trường, khái niệm "chung cư mini" đã xuất hiện tại văn bản pháp lý của Hà Nội.

Loại hình nhà ở này lần đầu xuất hiện khi Nghị định 71/2010 (quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở) ra đời, bắt đầu cho phép phát triển nhà ở riêng lẻ được thiết kế theo kiểu chung cư mini, có nhiều tầng, nhiều căn hộ nhỏ.

Luật Nhà ở 2014 không có định nghĩa về chung cư mini. Thực tế, chung cư mini được nhận diện là những căn nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân, tổ chức mà có từ 2 tầng trở lên, có ít nhất là 2 căn hộ (mỗi căn hộ được xây dựng khép kín).

Đáng chú ý nhất là nếu đủ tiêu chuẩn, sẽ được Nhà nước công nhận quyền sở hữu đối với từng căn hộ trong nhà ở đó, tức là được cấp sổ đỏ riêng cho từng căn hộ nhỏ.

Sau đó, một văn bản dưới luật như Quyết định 24/2014 của UBND TP Hà Nội đã lần đầu tiên sử dụng khái niệm "chung cư mini" và "căn hộ chung cư mini" và quy định điều kiện cấp giấy chứng nhận đối với loại bất động sản này.

Nhiều ý kiến cho rằng, chung cư mini xuất hiện vào thời điểm cấp thiết về nhà ở, nhưng nay không còn phù hợp, thậm chí được coi là sản phẩm "lỗi" khi tạo áp lực về hạ tầng đô thị, rủi ro về an toàn.

"Cần phải vừa ngăn cản, xem xét, hạn chế mô hình tự phát này", ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết.

Ngay sau vụ cháy tại chung cư mini ở quận Thanh Xuân, TP Hà Nội sẽ tiến hành Tổng kiểm tra, rà soát chung cư mini trên địa bàn.

"Cơ quan cấp trên cần xử lý cả hai là chính quyền địa phương và chủ đầu tư. Chủ đầu tư có thể là cá nhân hoặc doanh nghiệp - đây là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm. Họ có thể xây sai nhưng giờ phải khắc phục hậu quả", Luật sư Trương Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết.

"Từ vụ việc tại Khương Hạ, cơ quan nhà nước cần nhìn nhận lại vấn đề nhà ở giá rẻ cũng như chính sách hỗ trợ nhà ở, dành những quỹ đất cho những người có thu nhập thấp, ngoại tỉnh muốn làm ăn sinh sống tại Hà Nội", ông Nguyễn Văn Bắc, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BTN Green đề nghị. 

"Tất cả các Luật về xây chung cư mini đã có và rõ ràng, nhưng khi xây lên không đủ theo quy định, theo Luật, nên để mà tách sổ, về chủ sở hữu thì rất nhỏ giọt, thường là ở ngoại thành"

Liên quan tới loại hình chung cư mini, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh đã từng kiến nghị cần sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở theo hướng nếu có nhu cầu xây dựng cải tạo nhà ở nhằm mục đích kinh doanh để bán hoặc cho thuê thì phải lập dự án đầu tư xây dựng, tránh tình trạng tự phát, biến tướng từ việc xin cấp phép xây nhà ở riêng lẻ, rồi trở thành các căn hộ chung cư mini để bán tràn lan như hiện nay.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước