Mặc dù trong bản án sơ thẩm hơn 1 năm trước đó, Tòa án Nhân dân TP.HCM đã yêu cầu Grab bồi thường một phần thiệt hại cho Vinasun là 4,8 tỷ đồng tuy nhiên Vinasun vẫn quyết tâm đòi đầy đủ con số là 41,2 tỷ đồng.
Trong khi đó, phía bị đơn Grab cho rằng Tòa án Nhân dân TP.HCM không đủ thẩm quyền để giải quyết vụ kiện, cùng vi phạm luật tố tụng. Phiên tòa phúc thẩm diễn ra do có kháng cáo của cả nguyên đơn và bị đơn cùng kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM và Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM.
Đại diện phía Vinasun. Ảnh: Dân trí.
Đến với phiên phúc thẩm, Vinasun muốn bồi thường thêm 36 tỷ đồng đồng thiệt hại doanh thu, yêu cầu tòa phúc thẩm tiếp tục khẳng định Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi.
Đại diện phía Grab. Ảnh: Dân trí.
Trong khi đó, Grab giữ nguyên lập trường: yêu cầu hủy án sơ thẩm để xác định Grab không vi phạm Đề án 24 và Nghị định 86, bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun.
Tuy nhiên, HĐXX cho rằng có mối quan hệ nhân quả giữa việc xuất hiện của Grab với thiệt hại của Vinasun nhưng phía Vinasun vẫn không thể làm rõ được phần thiệt hại do Grab gây ra thực sự là bao nhiêu? Do vậy, HĐXX tuyên không chấp nhận kháng nghị của viện kiểm sát, bác kháng cáo của Vinasun và Grab, giữ nguyên bản án sơ thẩm - buộc Grab bồi thường cho Vinasun 4,8 tỷ đồng.
Đại diện Grab cũng bỏ ngỏ khả năng liệu có ý định tiếp tục theo đổi vụ kiện hay không và cho biết phán quyết này không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh vì với hành lang pháp lý từ Nghị định 10 có thể mở rộng phạm vi hoạt động ngoài 5 thành phố thí điểm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!