Ảnh: Reuters.
Ngày 28/10, phát biểu bên lề triển lãm Tokyo Motor Show, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành TMMIN, ông Warih Andang Tjahjono, nhấn mạnh: "Đây là xu hướng toàn cầu. Nếu không tham gia xu hướng này, chúng tôi sẽ không thể xuất khẩu". Theo ông Warih, chuyển đổi dây chuyền sản xuất là điều bắt buộc, xuất phát từ những thay đổi về động cơ, đặc biệt đối với hệ truyền động. Cụ thể, khoảng 60% chi tiết động cơ sẽ phải thay đổi do xe chuyển sang chạy điện.
Về phần mình, Giám đốc Hành chính và Quan hệ đối ngoại TMMIN, ông Bob Azam cho biết công ty sẽ đào tạo các kỹ năng đặc biệt cho công nhân để sản xuất xe điện do loại phương tiện này khác với các xe động cơ đốt trong.
TMMIN sẽ hỗ trợ Chính phủ Indonesia thực hiện mục tiêu nâng sản lượng xe điện lên 20% tổng sản lượng xe ô tô của quốc gia này vào năm 2025. "Chúng tôi sẽ tham gia vào mục tiêu này", ông Bob khẳng định song không tiết lộ chi tiết.
Cho đến nay, TMMIN đang cố gắng sản xuất xe lai (hybrid) ở Indonesia. Xe lai được coi là bước chuyển hướng tới sản xuất xe điện do động cơ sử dụng cả pin và xăng.
Tháng 8/2019, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã ký một sắc lệnh về thúc đẩy chương trình sản xuất xe điện, làm cơ sở cho việc ban hành các chính sách ưu đãi, phát triển các hạ tầng trạm sạc và bảo vệ môi trường. Tổng thống Indonesia cho rằng chương trình sản xuất xe điện tại quốc gia này có thể bắt đầu với các dòng xe buýt, các phương tiện giao thông công cộng khác và xe taxi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!