TP Hồ Chí Minh chốt 3 phương án vận chuyển người lao động trở lại làm việc

Anh Đặng (t/h)-Thứ sáu, ngày 01/10/2021 15:07 GMT+7

VTV.vn - UBND TP Hồ Chí Minh vừa chấp thuận phương án của Sở Giao thông Vận tải về tổ chức vận chuyển người lao động đến thành phố làm việc trong tình hình mới.

UBND TP Hồ Chí Minh giao Sở Giao thông Vận tải làm cơ quan đầu mối, tập trung phối hợp với các sở ngành; UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện; Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp; Ban Quản lý Khu Công nghệ cao, các bến xe khách liên tỉnh triển khai phương án chức vận chuyển người lao động đến thành phố làm việc trong tình hình mới; thực hiện việc cấp giấy nhận diện phương tiện có mã QR, thông qua phần mềm của Sở.

Sở Giao thông Vận tải có văn bản gửi Công an và Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố liên quan về kế hoạch vận chuyển, thông tin phương tiện, lộ trình di chuyển bằng đường bộ dự kiến đi qua các chốt, trạm kiểm soát dịch COVID-19 để được hỗ trợ, tạo điều kiện lưu thông thuận lợi theo kế hoạch.

TP Hồ Chí Minh chốt 3 phương án vận chuyển người lao động trở lại làm việc - Ảnh 1.

Để được trở lại thành phố, người lao động phải đáp ứng đủ các điều kiện như: có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 còn hiệu lực, đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1 đủ 14 ngày sau khi tiêm... (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Sở Giao thông Vận tải chủ động báo cáo Bộ Giao thông Vận tải để xem xét triển khai phương thức vận chuyển người lao động bằng đường sắt và đường hàng không, đảm bảo phù hợp với nhu cầu và tình hình kiểm soát dịch bệnh COVID-19.

UBND thành phố cũng giao các cơ quan liên quan làm đầu mối tiếp nhận, xem xét nhu cầu và phương án vận chuyển bằng ô tô của đơn vị sử dụng lao động thuộc phạm vi quản lý, tổng hợp gửi Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh.

Đối tượng trong phương án vận chuyển là người lao động (thuộc các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trên địa bàn thành phố, bao gồm công nhân, chuyên gia) tại các tỉnh, thành phố có nhu cầu trở lại TP Hồ Chí Minh.

Để được trở lại thành phố, người lao động phải đáp ứng đủ các điều kiện: đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1 đủ 14 ngày sau khi tiêm, hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 có xác nhận của cơ quan y tế; có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 còn hiệu lực theo quy định.

Theo phương án do UBND Thành phố ban hành, kế hoạch đón người lao động bằng đường bộ được thực hiện theo 3 phương thức:

Phương thức 1: Đơn vị sử dụng lao động tự tổ chức. Đơn vị (doanh nghiệp có nhu cầu vận chuyển công nhân) gửi phương án vận chuyển đến các cơ quan đầu mối là UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện; Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp thành phố, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao, các Ban Quản lý dự án… để rà soát, tổng hợp gửi Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh xem xét tổ chức triển khai.

Phương tiện vận chuyển là xe ô tô trên 10 chỗ có đăng ký kinh doanh, chi phí vận chuyển do đơn vị sử dụng lao động tự chi trả hoặc thỏa thuận với người lao động. Sở Giao thông Vận tải thành phố cấp giấy nhận diện có mã QR cho phương tiện; thông báo đến các tỉnh, thành phố kế hoạch vận chuyển. Các phương tiện vận chuyển tập kết tại Bến xe miền Đông hoặc Bến xe miền Tây khi vào TP Hồ Chí Minh. Sau đó, người lao động di chuyển từ bến xe về nơi cư trú/lưu trú bằng xe taxi đã được Sở Giao thông Vận tải cấp phép hoặc phương tiện trung chuyển đã được doanh nghiệp đăng ký trong phương án.

Phương thức 2: Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao làm đầu mối tổng hợp nhu cầu của các đơn vị đang hoạt động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao; phối hợp với đơn vị vận tải hành khách xây dựng kế hoạch vận chuyển, gửi Sở Giao thông Vận tải xem xét cấp giấy nhận diện có mã QR và thông báo đến các tỉnh, thành phố kế hoạch vận chuyển. Các phương tiện vận chuyển chỉ được trả khách tại địa điểm đã đăng ký trong kế hoạch, chi phí do đơn vị sử dụng lao động tự chi trả hoặc thỏa thuận với người lao động.

Phương thức 3: Tổ chức tuyến vận tải hành khách cố định xuất phát từ bến xe khách liên tỉnh của các tỉnh, thành phố đến Bến xe miền Đông và Bến xe miền Tây, với tần suất hoạt động tối đa 4 chuyến/ngày/tuyến.

Các đơn vị kinh doanh vận tải theo tuyến cố định đảm nhận khai thác trên từng tuyến do Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh thống nhất với Sở Giao thông Vận tải tỉnh, thành phố liên quan và cấp giấy nhận diện QR Code cho phương tiện trước khi thực hiện kế hoạch vận chuyển. Chi phí vận chuyển tính theo giá vé do doanh nghiệp kinh doanh vận tải kê khai, niêm yết theo quy định.

Về thời gian thực hiện, giai đoạn 1 sẽ thực hiện từ ngày 1/10 - 31/10, hoạt động vận chuyển bằng đường bộ theo các phương thức 1 và phương thức 2. Giai đoạn 2 triển khai hoạt động vận chuyển thêm phương thức 3 khi có kế hoạch, phương án hoạt động đường bộ liên tỉnh của Bộ Giao thông Vận tải.

Riêng phương thức vận chuyển người lao động bằng đường sắt và đường hàng không sẽ thực hiện theo kế hoạch, phương án của Bộ Giao thông Vận tải.

Để được vận chuyển, doanh nghiệp, phương tiện, người điều khiển, người phục vụ phải đáp ứng Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động giao thông vận tải an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố; đồng thời phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Doanh nghiệp, người lao động phấn khởi khi sắp được nhận hỗ trợ từ gói 38.000 tỷ đồng Doanh nghiệp, người lao động phấn khởi khi sắp được nhận hỗ trợ từ gói 38.000 tỷ đồng

VTV.vn - Nhiều doanh nghiệp, người lao động rất vui mừng sau khi nghe tin Nhà nước trích Quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người lao động và các chủ sử dụng lao động.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước