TP Hồ Chí Minh đảm bảo tiến độ Vành đai 3

VTV Digital-Thứ ba, ngày 25/10/2022 06:36 GMT+7

VTV.vn - Để đảm bảo tiến độ dự án Vành đai 3, chính quyền TP Hồ Chí Minh cần có những giải pháp và cách làm mới, đột phá.

Vành đai 3 là dự án giao thông lớn nhất từ trước đến nay ở phía Nam đi qua 4 tỉnh thành gồm: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Long An; có vai trò quan trọng kết nối, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội khu vực phía Nam, với tổng mức đầu hơn 75.300 tỷ đồng.

Giai đoạn 2016 - 2020, trong 115 dự án được TP Hồ Chí Minh quyết định đầu tư, có đến hơn một nửa không đạt kế hoạch do vướng khâu giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, thành phố đã có nhiều giải pháp đột phá trong việc xác định giá đền bù đất, thu hồi đất, tái định cư giúp nhiều dự án dang dở đang được hồi sinh trở lại. Đây cũng là tiền đề để thành phố cam kết hoàn thành đúng tiến độ giải phóng mặt bằng cho dự án giao thông trọng điểm của vùng phía Nam - Vành đai 3.

TP Hồ Chí Minh cam kết tiến độ giải phóng mặt bằng Vành đai 3

Liên quan đến tiến độ dự án Vành đai 3, Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt hồ sơ thiết kế giải phóng mặt bằng. Đây được xem là mốc quan trọng làm cơ sở thực hiện các công việc tiếp theo như lập đồ án điều chỉnh các quy hoạch, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bám sát tiến độ tổng thể của dự án đã được đề ra.

TP Hồ Chí Minh đảm bảo tiến độ Vành đai 3 - Ảnh 1.

Vành đai 3 khi hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông khu vực Đông Nam Bộ. (Ảnh: VOV)

Dù còn nhiều khó khăn, tuy nhiên mới đây, lãnh đạo thành phố cam kết sẽ hoàn thành đúng tiến độ và bàn giao 100% mặt bằng "sạch" cho chủ đầu tư tiến hành thi công vào cuối năm 2023.

Tính đến thời điểm này, TP Hồ Chí Minh đã gần như hoàn thành việc cắm gần 2.000 cọc mốc giải phóng mặt bằng tại 4 huyện và TP Thủ Đức.

Mới đây, để đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng 4 địa phương TP Thủ Đức, các huyện Hóc Môn, Củ Chi và Bình Chánh đã thực hiện ký cam kết thi đua.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh, việc ký kết có ý nghĩa quan trọng, quyết định đến thành công của việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án Vành đai 3 trên địa bàn thành phố.

"Ký giao ước thi đua, thi đua với nhau, chúng ta phấn đấu đến tháng 30/6/2023 cơ bản có mặt bằng. Không chờ đến cuối tháng 12/2023 mới giao tất, cho nên đến 30/6/2023 cơ bản bàn giao được mặt bằng, tức là đủ điều kiện để khởi công dự án và phấn đấu thêm đến cuối quý 3 là chúng ta dứt", ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh, nhấn mạnh.

Theo kế hoạch, công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện theo quy mô hoàn chỉnh từ đầu. Sau đó, dự án sẽ được thi công trước 4 làn cao tốc ở giữa, hai bên xây đường song hành.

Dự kiến, dự án sẽ được khởi công vào giữa năm 2023. Mục tiêu hoàn thành cơ bản tuyến vào tháng 10/2025, xong toàn bộ và khai thác một năm sau đó.

Nhiều giải pháp đảm bảo tiến độ Vành đai 3

Cũng trong buổi lễ ký kết đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng Vành đai 3 mới đây, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định: "Trong quá trình xác định giá đền bù đất, thu hồi đất, tái định cư, người dân phải có điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn khi giao đất cho chính quyền thực hiện dự án", nghĩa là quyền lợi của người dân phải đặt lên hàng đầu, đây cũng là điều giúp thành phố tạo được sự đồng thuận của người dân, đảm bảo tiến độ dự án. Bởi theo tính toán, khối lượng giải phóng mặt bằng dự án trên địa bàn là hơn 2.300 hộ dân, trong đó có 740 hộ dân cần tái định cư.

Tăng hệ số điều chỉnh giá đất

Hiện chính quyền TP Hồ Chí Minh dựa vào hệ số điều chỉnh giá đất ban hành hàng năm để tăng mức giá bồi thường cho người dân ở các khu vực có đất bị thu hồi.

Ngoài ra, trong thời gian tới, với những đề xuất trong dự thảo Luật Đất đai mới, giá đền bù sẽ tiếp cận gần hơn với giá thị trường, cùng với chính sách ưu tiên tái định cư tại chỗ, thành phố kỳ vọng sẽ tạo được sự đồng thuận của người dân.

"Cái đơn giá, hệ số điều chỉnh để tính toán chi phí cho bà con thì thành phố đang cố gắng và khoảng cách giữa giá thị trường, giá nhà nước đền bù được rút ngắn lại. Như vậy, nó sẽ tăng thêm sự đồng thuận của bà con. Chúng ta kỳ vọng một giai đoạn mới trong công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt với những cách làm mới thì nó sẽ đẩy nhanh được công tác này và có thể hoàn thành dứt điểm", ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh, cho biết.

Rút ngắn thủ tục

Hiện thành phố cũng đã áp dụng thí điểm quy trình rút ngắn thời gian bồi thường giải phóng mặt bằng từ hơn 300 ngày xuống còn 200 ngày.

Với Vành đai 3, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đã cùng các địa phương vận động người dân đồng thuận để đo đạc, kiểm đếm trước thời điểm ban hành thông báo thu hồi đất; hỗ trợ tối đa cho người dân được đảm bảo các quyền lợi về sử dụng đất sau khi thu hồi.

"Hỗ trợ tối đa cho bà con có đất bị ảnh hưởng bởi dự án, trong việc đăng ký kế hoạch sử dụng đất; cấp giấp phép xây dựng đối với phần đất còn lại sau khi thu hồi; đồng thời sẽ rút ngắn thời gian, thủ tục đăng ký biến động, giảm diện tích, để người dân được nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất", ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, cho hay.

Nhiều cơ chế đặc biệt từ Nghị quyết 105

Đại diện Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết, nghị quyết mới được ban hành đã cho nhiều cơ chế đặc biệt, chưa từng có để đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng.

Thứ nhất, việc áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Về thủ tục, cho phép triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện các công việc như: báo cáo đánh giá tác động môi trường; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, điều chỉnh cục bộ các quy hoạch liên quan; lựa chọn nhà thầu…

"Những giải pháp trong Nghị quyết 105, cũng như sự chỉ đạo của các bộ ngành các địa phương, thì dự án Vành đai 3 sẽ có những động lực để đảm bảo tính khả thi của tiến độ cũng như giải quyết được những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án, đảm bảo tính khả thi của dự án này", ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, nhận định.

TP Hồ Chí Minh đảm bảo tiến độ Vành đai 3 - Ảnh 2.

Vành đai 3 đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn đã hoàn thành. (Ảnh: VOV)

Bên cạnh các giải pháp, nguồn lực con người cũng rất quan trọng, giúp thúc đẩy nhanh quá trình thực hiện dự án. Hiện thành phố đã lập tổ công tác chuyên ngành, đứng đầu là lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và các ban chỉ đạo ở các địa phương tổ chức họp hàng tuần để bám sát, tháo gỡ ngay lập tức các khó khăn, vướng mắc.

Theo lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, Vành đai 3 sẽ là dự án kiểu mẫu cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và sẽ được áp dụng chung cho tất cả các dự án khác trên địa bàn thành phố kể từ năm 2023 trở về sau.

Theo tính toán sơ bộ, trong giai đoạn sắp tới, TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai rất nhiều dự án nhóm vành đai, cao tốc và cửa ngõ… Riêng khối lượng giải phóng mặt bằng ước tính sơ bộ chi phí lên tới 50.000 tỷ và diện tích đất thu hồi hàng ngàn hecta.

Đảm bảo tái định cư dự án Vành đai 3 Đảm bảo tái định cư dự án Vành đai 3

VTV.vn - Đảm bảo tái định cư trước khi thu hồi mặt bằng để khởi công dự án Vành đai 3 được xem là yếu tố quyết định với vai trò chính quyền cơ sở nơi có dự án đi qua.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước