TP Hồ Chí Minh phát triển đô thị theo định hướng giao thông

VTV Digital-Thứ hai, ngày 28/08/2023 15:55 GMT+7

VTV.vn - Theo giới chuyên gia, việc lấy hạ tầng, giao thông làm cơ sở để quy hoạch dân cư sẽ tạo ra một mô hình phát triển đô thị bền vững hơn.

Cuối tuần qua, lãnh đạo, chính quyền TP Hồ Chí Minh đã chủ trì chuyến bay khảo sát quy hoạch cùng với lãnh đạo các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Tây Ninh phục vụ cho việc lập và điều chỉnh quy hoạch của TP Hồ Chí Minh với tầm nhìn đến năm 2050 - 2060. Trong đó, đáng chú ý là việc cụ thể hóa cơ chế phát triển đô thị theo định hướng giao thông (gọi tắt là TOD) có trong Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù cho TP Hồ Chí Minh.

Khu vực làm cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài, Đường Vành đai 3, 4 hay các tuyến metro... là những nơi được lãnh đạo, chính quyền TP Hồ Chí Minh khảo sát để thực hiện TOD - cơ chế phát triển đô thị theo định hướng giao thông. Cụ thể là quy hoạch đô thi, dân cư, kết hợp với đấu giá các quỹ đất dọc ven những tuyến giao thông này. Một số điều chỉnh đã được đưa ra như bố trí lại vị trí một số ga, trạm dừng trên tuyến metro.

Ông Nguyễn Thanh Nhã - Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh cho biết: "Khi có điều chỉnh lại các tuyến metro như thế, chúng ta sẽ có giải pháp bố trí lại khu vực đô thị, dân cư, cũng như tiện ích của các khu vực dọc theo các tuyến này để có thể khai thác hiệu quả nhất quỹ đất của TP Hồ Chí Minh".

TP Hồ Chí Minh phát triển đô thị theo định hướng giao thông - Ảnh 1.

TP Hồ Chí Minh phát triển đô thị theo định hướng giao thông.

Khi các tuyến đường sắt đô thị được hình thành rõ ràng là giá trị bất động sản của những nơi lân cận, dọc ven tuyến giao thông như bên trong và ngoài nhà ga sẽ tăng lên gấp nhiều lần. Nếu TP Hồ Chí Minh sử dụng tốt cơ chế TOD có thể tổ chức đấu giá các khu vực này cho nhà đầu tư khai thác thương mại, dịch vụ. Nguồn thu có được vào ngân sách sẽ tạo nguồn lực để Nhà nước tái đầu tư cơ sở hạ tầng.

Theo giới chuyên gia, việc lấy hạ tầng, giao thông làm cơ sở để quy hoạch dân cư sẽ tạo ra một mô hình phát triển đô thị bền vững hơn, tránh tình trạng dân cư có trước, hạ tầng mới theo sau gây nên quá tải đô thị như trước đây.

"Có rất nhiều không gian để có thể phát triển TOD. Đây cũng là lõi trung tâm của các đô thị tương lai. Chúng tôi thấy đây là tiềm năng rất lớn để vừa khai thác phát triển quỹ đất, vừa cấu trúc lại mô hình đô thị đa trung tâm của thành phố", ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh cho biết.

Các chuyên gia đề xuất, Nhà nước có thể bỏ nguồn lực ra để giải phóng tạm thời các phần đất lân cận dự án, sau đó bán đấu giá cho các nhà khai thác. Tuy nhiên, do cơ chế TOD chưa từng có tiền lệ trước đây, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, chủ động trong thực thi.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho biết: "TP Hồ Chí Minh sẽ đi tiên phong trong việc thực hiện, chắc chắn sẽ có những "vùng xám", những điều chưa rõ ràng. Như vậy phải có cơ chế để thúc đẩy chính quyền hành động, dám dấn thân vào những "vùng xám" như vậy để có thể thực hiện tốt, đáp ứng được kỳ vọng".

Chính quyền TP Hồ Chí Minh ước tính, các cơ chế như TOD sẽ góp phần giúp thành phố huy động được hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn đầu tư từ xã hội, phục vụ cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước