TP Hồ Chí Minh thu ngân sách 168.000 tỷ đồng sau 4 tháng đầu năm

Huyền Đào-Thứ ba, ngày 26/04/2022 20:12 GMT+7

VTV.vn - TP Hồ Chí Minh triển khai 8 nhóm giải pháp phát triển kinh tế xã hội trong tháng 5/2022, trong đó nhấn mạnh vào quản lý và thu chi ngân sách.

Báo cáo tại Phiên họp Ủy ban nhân dân Thành phố về tình hình kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh tháng 4 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm tháng 5 năm 2022 chiều 26/4 của UBND TP Hồ Chí Minh cho thấy kinh tế thành phố tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ. Đặc biệt, một số lĩnh vực kinh tế đã có dấu hiệu khởi sắc, tăng tốc so với những tháng trước và so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 năm 2022 tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 6,2% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu qua cửa khẩu Thành phố ước đạt 16,7 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 168.000 tỷ đồng.

TP Hồ Chí Minh thu ngân sách 168.000 tỷ đồng sau 4 tháng đầu năm - Ảnh 1.

TP Hồ Chí Minh tập trung nhiều giải pháp quản lý và thu chi ngân sách trong tháng 5/2022

Trong tháng 5, TP Hồ Chí Minh đề xuất 8 nhóm giải pháp phát triển kinh tế xã hội, trong đó nhấn mạnh triển khai các giải pháp quản lý và khai thác nguồn thu, tăng cường kiểm soát chi nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách thông qua nhóm giải pháp phối hợp Cục Thuế, Cục Hải quan, các sở ngành tiếp tục đẩy mạnh giám sát các nguồn thu, nguyên nhân biến động tăng giảm nguồn thu. 

Đồng thời, Thành phố tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản thủ tục hành chính thuế; tập trung rà soát quy trình, thủ tục hành chính, hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, tạo điều kiện doanh nghiệp đầu tư mở rộng theo quy định.

Bên cạnh các chỉ số kinh tế xã hội phục hồi mạnh mẽ, trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm nói chung, TP Hồ Chí Minh vẫn còn một số chỉ số tăng trưởng thấp, giải ngân vốn đầu tư công thấp. Lý giải về chỉ số công nghiệp chưa bằng cùng kỳ (cùng kỳ năm ngoái 11,7%) ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công thương TP nhận định tháng 4 năm nay vẫn còn ảnh hưởng của dịch, tuy nhiên, trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm, có 3 chỉ số tăng, chỉ có chỉ số ngành điện-điện tử giảm. 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ giảm 1,7% so với cùng kỳ, nhưng chỉ số này bao gồm nhiều lĩnh vực thương mại, dịch vụ, tài chính, ngân hàng,... Theo ông Vũ, nếu chỉ xét riêng lĩnh vực bán buôn bán lẻ tăng 6% so với cùng kỳ.

TP Hồ Chí Minh thu ngân sách 168.000 tỷ đồng sau 4 tháng đầu năm - Ảnh 2.

Du lịch là lĩnh vực tăng trưởng mạnh tại TP Hồ Chí Minh trong tháng 4/2022

Du lịch là ngành có mức tăng trưởng đột phá tại TP Hồ Chí Minh trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm. Tổng doanh thu trong tháng ước đạt 8.761 tỷ đồng, tăng 26,7% so với cùng kỳ. Khách quốc tế đến TP Hồ Chí Minh là hơn 114.728 lượt, tăng 100% so với cùng kỳ. Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc sở du lịch phân tích động lực lớn nhất là việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế, các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, nhiều lễ hội, sự kiện du lịch, sản phẩm du lịch được tung ra trong tháng 3 đã là động lực du lịch trong thời gian qua và tiếp tục tạo động lực trong thời gian tới, trong cao điểm du lịch 30/4 và mùa hè 2022.

Liên quan đến vấn đề đất đai, theo Sở Tài nguyên & Môi trường, 4 tháng đầu năm TP Hồ Chí Minh còn 3 vấn đề lớn. Trong đó, vấn đề hồ sơ thủ tục liên quan đến đất đai tăng đột biến. Bốn tháng đầu năm ghi nhận 172.000 hồ sơ đất, tổng giá trị hồ sơ hơn 8.000 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Để hỗ trợ giải quyết hồ sơ, Sở Tài nguyên & Môi trường phối hợp với Sở Thông tin Truyền thông thực hiện nhiều thủ tục online. Trong tháng 5/2022, Sở Tài nguyên & Môi trường tiếp tục kiến nghị Thành phố hỗ trợ ban hành quy chế để xác định giá đất cụ thể, ban hành hệ số giá đất, hoàn thành đề án quy hoạch sử dụng đất từ nay đến 2030.

Trong lĩnh vực giao thông, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết tháng 5 tập trung chủ yếu hoàn thành đề án xây dựng đường vành đai 3. Hiện tại đã cơ bản hoàn thành đề án, đầu tháng 5 sẽ xúc tiến với các địa phương. Mục tiêu đến cuối năm 2022 hoàn thành đề án, tìm nhà thầu và dành 2 năm để giải phóng mặt bằng, dự kiến khởi công đường Vành đai 3 vào năm 2025.

Trong lĩnh vực chuyển đổi số, Sở Thông tin Truyền thông TP Hồ Chí Minh nhận định tháng 4 vừa qua đã có bước đột phá tăng tốc hiệu quả, theo định hướng chung. Toàn thành phố hiện nay có 9 đơn vị, trong đó có 3 quận huyện đã thành lập được Ban chỉ đạo chuyển đổi số, 28 đơn vị có đề án chuyển đổi số. Trong tháng 5, chương trình chuyển đổi số của TP Hồ Chí Minh tập trung vào hoàn thành hệ thống dữ liệu, chuẩn bị hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân, ban hành hướng dẫn quy định, quy hoạch lại hệ thống ứng dụng dữ liệu chung, giúp các đơn vị kết nối được với nhau, triển khai bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các sở ngành địa phương.

Phát biểu tổng kết phiên họp, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh kinh tế xã hội tăng trưởng tốt, thu ngân sách đạt chỉ tiêu, dịch COVID-19 được kiểm soát tốt đã tạo tâm lý phấn khởi, phục hồi trong người dân và doanh nghiệp. Thành phố cần khẩn trương triển khai 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp, thu chi ngân sách trong tháng 5. Tập trung quyết liệt giải quyết các thủ tục hành chánh, tháo gỡ các thủ tục mới tạo đà cho thu ngân sách trong tháng 5 và là tiền đề hoàn thành mục tiêu nhiệm vụ 6 tháng đầu năm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước