Trà Vinh phát sinh dịch lở mồm long móng trên gia súc

Theo TTXVN-Thứ bảy, ngày 30/11/2019 15:00 GMT+7

Ảnh minh họa. Ảnh: Dân trí.

VTV.vn - Ngày 29/11, UBND tỉnh Trà Vinh tổ chức hội nghị triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh lở mồm long móng trên gia súc.

Cùng với dịch tả lợn châu Phi, người chăn nuôi ở Trà Vinh tiếp tục gặp khó do bệnh lở mồm long móng vừa phát sinh ở 2 huyện Cầu Kè và Trà Cú, tại 32 hộ, với tổng số lượng mắc bệnh 164 con bò.

Theo bà Nguyễn Ngọc Hài, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, ngay sau khi phát hiện bệnh lở mồm long móng tại 2 huyện trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với địa phương triển khai kế hoạch dập dịch, tổ chức tiêu độc, khử trùng tại các xã xảy ra dịch bệnh. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng hướng dẫn hộ chăn nuôi có dịch bệnh quản lý đàn gia súc tại chỗ, không nhập đàn mới, hạn chế người ra vào khu vực chuồng nuôi, hướng dẫn tiêu độc, khử trùng theo quy định, chăm sóc, nuôi dưỡng để tăng sức đề kháng đàn vật nuôi…

Đồng thời, các đơn vị tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch và các địa bàn có nguy cơ cao, tỷ lệ tiêm phòng phải đạt 100% số gia súc thuộc diện tiêm tại vùng dịch và ít nhất 80% số gia súc thuộc diện tiêm tại các vùng nguy cơ cao, để xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để lây lan diện rộng.

Theo bà Nguyễn Ngọc Hài, hiện nay đang thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi bất thường làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi, cơ hội cho mầm bệnh lở mồm long móng tồn tại và phát tán, lây lan rộng. Bệnh không có thuốc điều trị, nhưng có vắc xin phòng bệnh. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng trên gia súc ở Trà Vinh đạt rất thấp.

Toàn tỉnh có tổng đàn trâu, bò hơn 200.000 con nhưng đa phần chăn nuôi quy mô nhỏ, lẻ, phân tán nên việc vận động tiêm phòng thời gian qua gặp khá nhiều khó khăn, đến nay tỷ lệ tiêm phòng chỉ đạt hơn 13% tổng đàn trâu, bò thuộc diện tiêm. Cùng với đó, nhu cầu vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc dịp cuối năm cũng tạo điều kiện dịch bệnh lây lan, khó kiểm soát.

Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Đồng Văn Lâm chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương trong tỉnh tăng cường phòng, chống dịch bệnh lở lồm long móng trên gia súc, tập trung vận động, tuyên truyền về bệnh lở mồm long móng cho người chăn nuôi hiểu rõ mức độ nguy hiểm để chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Đặc biệt, các địa phương đẩy mạnh vận động các hộ chăn nuôi tiêm vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng, giúp người dân hiểu rõ những lợi ích của việc tiêm phòng, giúp giảm thiểu rủi ro và thiệt hại cho hộ chăn nuôi.

Ngành chức năng chuẩn bị đầy đủ hóa chất, vắc xin, trang thiết bị chuyên ngành; tập trung lực lượng chuyên môn hỗ trợ các địa phương trong quá trình phòng chống dịch, đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời không để lây lan sang các địa phương khác.

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Đồng Văn Lâm cho biết thêm, dịch tả lợn châu Phi ở Trà Vinh vẫn đang diễn biến phức tạp; đến nay, toàn tỉnh đã có 97/106 xã, phường, thị trấn thuộc 9 huyện, thị xã, thành phố có dịch. Gần 4.000 hộ chăn nuôi bị thiệt hại, phải tiêu hủy hơn 86.000 con lợn bệnh, với tổng trọng lượng gần 4.000 tấn. UBND tỉnh Trà Vinh đã bố trí kinh phí 140 tỷ đồng để hỗ trợ các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh tả lợn châu Phi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước