Đây là một quá trình dài, đòi hỏi sự chuẩn bị dày công và kỹ lưỡng từ các nhà vườn, doanh nghiệp. Chiều 17/10, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức sự kiện công bố những yêu cầu cụ thể nhập khẩu trái bưởi tươi từ Việt Nam sang Mỹ đến doanh nghiệp.
Theo quy định của Mỹ và yêu cầu trong Chương trình xuất khẩu quả tươi từ Việt Nam sang Mỹ, quả bưởi tươi của Việt Nam phải được cấp mã số vùng trồng và cơ sở xử lý phải được đăng ký với Cục Bảo vệ thực vật và Cơ quan kiểm dịch động thực vật của Mỹ (APHIS). Quả bưởi không được nhiễm ruồi, ngài và nấm và phải được Cục Bảo vệ thực vật cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.
Bà Erica Grover - Giám đốc khu vực của chương trình kiểm tra tại gốc APHIS cho hay: "Để xuất khẩu được bưởi sang Mỹ thì vùng trồng bưởi phải được đăng ký mã số vùng trồng với Cục Bảo vệ thực vật và APHIS; các lô hàng bưởi tươi phải được xử lý chiếu xạ; bưởi phải được đóng gói tại cơ sở được Cục Bảo vệ thực vật và Aphis chấp thuận".
"Các mã số vùng trồng phải kiểm tra, kiểm soát 6 sinh vật gây hại đã đưa vào trong văn bản ký kết mà phía Mỹ quan tâm. Hay nói cách khác là chúng ta phải phòng trừ và loại trừ những đối tượng đó trước khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ", ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật nói.
Sau hơn 5 năm đàm phán thì trái bưởi Việt Nam đã được cấp phép xuất khẩu vào thị trường Mỹ. (Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Công Thương).
Để triển khai Chương trình xuất khẩu bưởi sang Mỹ, Cục Bảo vệ thực vật sẽ phối hợp với các bên liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp, đặc biệt sẽ tập trung tập huấn cho người sản xuất, các doanh nghiệp xuất khẩu bưởi về các yêu cầu nhập khẩu của Mỹ.
Số liệu từ Cục Bảo vệ thực vật, năm 2021 đã có trên 3.000 tấn bưởi Việt Nam được xuất khẩu đi nhiều nước. Dự kiến, bưởi năm roi và bưởi da xanh sẽ là 2 loại bưởi đầu tiên sẽ được xúc tiến thương mại sớm xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong thời gian tới.
Yêu cầu đóng gói bưởi đi Mỹ
Được biết, mới đây đoàn chuyên gia của Cơ quan kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) cũng đã về kiểm tra tận nơi các vùng trồng bưởi và cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu vào Mỹ tại tỉnh Bến Tre.
Việt Nam hiện có 16 mã số vùng trồng đang hoạt động và 21 mã số vùng trồng khác đang được xem xét để xuất đi Mỹ. Ngoài những đòi hỏi về vùng trồng thì các cơ sở đóng gói cũng có những yêu cầu riêng, rất chi tiết cụ thể.
Các cơ sở đóng gói bưởi phải có biện pháp quản lý phù hợp để loại bỏ các đối tượng dịch hại phía bạn quan tâm như ruồi đục quả, sâu đục quả và các loại nấm. Loại bỏ tất cả quả rụng trước khi đưa vào nhà đóng gói. Quả phải được làm sạch, xử lý nấm và phủ sáp toàn bộ quả. Loại bỏ hết lá, cuống và các bộ phận khác của cây, trừ cuống quả ngắn hơn 2,5 cm vẫn còn gắn vào quả.
Tiềm năng trái cây Việt vào Mỹ
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, nước này có nhu cầu tiêu thụ lớn về trái cây với mỗi năm lên tới 12 triệu tấn. Sản xuất trái cây tươi nội địa của nước này hiện chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu, 30% còn lại tương đương với khoảng 3,6 triệu tấn là phải nhập khẩu. Đây sẽ là dư địa và cơ hội rất lớn cho trái cây Việt Nam.
Trước quả Bưởi, Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường Mỹ 6 loại quả là: thanh long, xoài, chôm chôm, nhãn, vú sữa, vải. Hai loại trái cây mới là chanh dây và dừa thì hiện Việt Nam đã nộp hồ sơ xuất khẩu sang Mỹ.
Bên cạnh đó, một số loại trái cây khác như dừa, sầu riêng vẫn được xuất khẩu sang Mỹ nhưng dưới dạng sản phẩm đông lạnh.
Thương vụ Việt Nam tại Mỹ đánh giá, Mỹ là thị trường tiềm năng của trái cây Việt khi có tới hơn 330 triệu khách hàng, với thu nhập đầu người cao và xu hướng ẩm thực ngày càng chú trọng thành phần rau, quả.
Mỹ đồng thời cũng là một trong những thị trường khắt khe nhất về nông sản nhập khẩu. Tuy nhiên, tiêu chuẩn của phía bạn cũng rất rõ ràng, điều còn lại là các doanh nghiệp, nông dân cần liên kết để sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ phía thị trường này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!